Nông sản Việt dần thoát bóng chợ đầu mối

0:00 / 0:00
0:00
Hàng Việt hiện diện nhiều hơn ở các chuỗi siêu thị lớn trên thế giới, giảm dần sự phụ thuộc vào kênh chợ đầu mối.
Nông sản Việt dần thoát bóng chợ đầu mối

Câu chuyện không chỉ ở quả chuối…

Wong Ng là nhân viên lập trình game ở Hồng Kông (Trung Quốc) thuộc Gen Z - những người đang trở thành thế hệ dẫn dắt các xu hướng tiêu dùng sản phẩm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Gần đây, mỗi khi đi bất cứ siêu thị Aeon nào ở Hồng Kông, anh đều lựa chọn mua quả chuối có nguồn gốc từ Việt Nam.

Wong Ng coi mỗi bữa ăn là một “bữa tiệc cuộc đời” mà anh cần tận hưởng. Đối với người Hồng Kông, ăn uống không chỉ là nhu cầu sinh tồn, mà còn là niềm vui sướng, là nghệ thuật sống. Cũng bởi vậy mà thành phố rộng chưa đầy 1.000 cây số vuông, nhưng có tới hơn 100 nhà hàng Michelin đẳng cấp thế giới.

“Tôi bị ảnh hưởng bởi bà và mẹ của mình. Họ tin rằng, một trong những bí quyết nấu ăn đỉnh cao là phải chọn được thực phẩm tươi ngon và sự tươi ngon này là nhân tố quan trọng đảm bảo sức khỏe. Trong gia đình tôi, ai cũng có thói quen đi chợ mỗi ngày. Có khi, họ đến chợ, siêu thị chỉ để mua một mớ rau, một miếng đậu, vài quả chuối, chứ không phải để mua sắm thực phẩm đông lạnh tích trữ cả tuần”, Wong Ng chia sẻ.

Xu hướng, thói quen và nhu cầu của thế hệ người tiêu dùng trẻ như Wong Ng là một trong những nguyên nhân chính khiến các siêu thị nước ngoài tại Hồng Kông thay đổi cơ cấu nguồn hàng thực phẩm, nông sản nhập khẩu. Đơn cử, hơn 90 siêu thị Aeon ở đây đang bày bán 100% chuối tươi nhập khẩu từ Việt Nam từ năm ngoái. Trước đó, các siêu thị này nhập chuối từ Philippines và Đài Loan. Theo kế hoạch, năm nay, sản lượng chuối mà Aeon nhập khẩu cho chuỗi siêu thị tại thị trường Hồng Kông tăng gấp đôi so với năm 2023.

Theo ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, trong quá trình trồng và chế biến, doanh nghiệp sản xuất chuối ở Việt Nam không phát sinh chất thải ra bên ngoài. Quy trình này đáp ứng được tiêu chí bền vững của tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản. Ngoài chuối, sắp tới, xoài tươi được Aeon thu mua 100% từ Việt Nam, thay vì Thái Lan và Philippines như trước.

Sản phẩm chuối tươi của Việt Nam cũng đã được Lotte Mart đưa vào bán tại chuỗi siêu thị của mình trên toàn thị trường Hàn Quốc từ năm 2020, với thương hiệu Lopang Banana. Sản phẩm được giới thiệu tại Hàn Quốc là chuối trồng trên vùng cao nguyên tại xã Lơ Pang (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) có độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, vỏ dày, có độ ngọt cao hơn so với sản phẩm cùng loại, giá bán có tính cạnh tranh cao.

Thực tế, từ năm 2014, chuối Việt Nam đã bắt đầu được xuất khẩu vào Hàn Quốc, nhưng mới chỉ mang tính chất thử nghiệm, thăm dò thị trường, nên chưa vào được các hệ thống siêu thị lớn như Lotte Mart.

Với dân số trên 51 triệu dân, Hàn Quốc là thị trường có sức mua lớn, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm rất cao, nhất là các nhóm sản phẩm thủy hải sản, rau củ và trái cây. Các loại trái cây được ưa chuộng tại Hàn Quốc là chuối, cà chua, dưa hấu, dâu, nho…, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu.

Trong đó, riêng với quả chuối, Hàn Quốc nhập khẩu 100%, nhưng Việt Nam chỉ chiếm 1,4% thị phần, còn lại thuộc về Philippines (chiếm tới 78,6%), Ecuador, Guatemala, Peru, Mexico.

Toàn bộ chuối nhập khẩu vào Hàn Quốc đều qua kênh phân phối là chợ đầu mối và siêu thị lớn. Chuối Việt Nam được đưa vào Hàn Quốc chủ yếu qua kênh chợ đầu mối, nên còn nhiều dư địa để tăng lượng xuất khẩu vào thị trường này qua kênh siêu thị.

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Việt Nam có nhiều lợi thế tăng thị phần tại thị trường Hàn Quốc, do có ưu thế thuế quan nhập khẩu thấp nhờ được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Nhưng, thách thức lớn nhất là phải cạnh tranh với

Philippines, vì họ có kinh nghiệm, có lợi thế về giống, sản phẩm chất lượng...

Câu chuyện sản xuất bền vững, sản xuất xanh, sản phẩm đạt chất lượng cao, thời gian cung ứng nhanh không chỉ nằm ở từng quả chuối. Các sản phẩm khác của Việt Nam nếu đáp ứng được những yêu cầu này cũng sẽ được các nhà nhập khẩu, chuỗi phân phối lớn tăng thu mua.

Ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Vietnam (Tập đoàn LuLu) cho biết, Công ty đang lên kế hoạch mua hạt điều bóc vỏ với số lượng nhiều hơn và làm việc trực tiếp với các nhà máy. Ngoài ra, tập đoàn này cũng tìm kiếm những sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như nước trái cây đóng lon, nước dừa, hạt điều nhân, cá ngừ đóng hộp, chuối, cà phê... để xuất khẩu sang Trung Đông và thị trường các nước Hồi giáo.

“Vượt bão” bền vững

Đưa doanh nghiệp của mình trở thành nhà xuất khẩu cà phê trong top 4 của Việt Nam, nhà xuất khẩu hạt tiêu số 1 vào thị trường châu Âu, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh đã lăn lộn nhiều năm trên thị trường nông sản thế giới và trải qua không ít thăng trầm.

Phúc Sinh đã bán gia vị trên toàn thế giới từ rất lâu. Cách đây 13 năm, khi có được các chứng nhận về phát triển bền vững do Hà Lan và Vương quốc Anh cấp, Công ty quyết tâm đi theo hướng phát triển bền vững.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường châu Âu cực kỳ nghiêm ngặt trong vấn đề nhập khẩu thực phẩm. Các quy định của họ thường rất ngặt nghèo. Điều này đã được Công ty Phúc Sinh lường trước và chuẩn bị rất kỹ càng trong các kế hoạch phát triển bền vững.

“Các sản phẩm của chúng tôi phải được kiểm soát tốt, chặt chẽ, từ dư lượng thuốc trừ sâu đến công nghệ tiệt trùng, nghiền, khép kín trong khâu đóng gói… thì mới có thể chen chân vào thị trường châu Âu”, ông Thông chia sẻ.

Để phát triển thương hiệu và giữ vững vị thế trong nhiều năm, Phúc Sinh phải không ngừng cải tiến, sáng tạo, đầu tư xây dựng các nhà máy với công nghệ hiện đại để đáp ứng được các tiêu chí của thị trường châu Âu.

Năm 2023 đánh dấu tròn một năm Phúc Sinh bán cà phê tại thị trường Mỹ, đặc biệt là có mặt tại các siêu thị của Mỹ. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu đang trải qua những “cơn bão”. Ngoài nguyên liệu, Phúc Sinh xuất khẩu thương hiệu ở các thị trường Trung Đông, đồng thời mở rộng khắp châu Á.

Ông Thông tiết lộ, trong tương lai, Phúc Sinh không còn giới hạn trong việc sản xuất thô, chế biến gia vị, cà phê, mà sẽ đa dạng sản phẩm hơn, đầu tư vào các mặt hàng tiêu dùng để bán tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Một doanh nghiệp khác là Công ty Dh Foods, chuyên sản xuất gia vị thực phẩm hữu cơ vùng miền của Việt Nam, cuối năm 2023 cũng quyết định xây dựng nhà máy thứ hai để nâng công suất và chất lượng. Công ty quyết định đầu tư nhà máy mới tại Long An sau khi tham gia các triển lãm tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức...

Nhà máy mới sẽ giúp Dh Foods tiếp tục cung ứng tốt hơn nữa các mặt hàng đang có mặt tại hệ thống Carrefour, E. Lerclec tại Pháp; siêu thị Gyomu, Donkihote tại Nhật Bản. Ngoài ra, Dh Foods tự tin hợp tác với các đối tác mới đang cung cấp cho các hệ thống siêu thị như Aldi, Lild (Đức); Aeon, Beisia, Costco, OK Corporation, Sandi, Halows tại Nhật Bản. Đó là những chuỗi siêu thị đòi hỏi chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm cao hàng đầu trên thế giới.

Đáng chú ý, Dh Foods chọn đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Kizuna vì khu công nghiệp này hiện có 50% khách thuê là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc; 11% doanh nghiệp Mỹ, châu Âu. Hơn nữa, gần 30% doanh nghiệp tại đây hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B).

Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Dh Foods cho biết, nhà máy mới của Công ty đạt các chuẩn cao nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm trên thế giới. Trong đó, có những sản phẩm riêng không thể đặt gia công được, điển hình là gia vị sốt, vì Công ty không dùng hương liệu hay chất bảo quản nhân tạo, nên khó tìm được đối tác gia công.

Thị trường Nhật Bản có hệ thống phân phối hàng hóa phức tạp, với nhiều tầng lớp trung gian. Do vậy, hàng hóa Việt Nam khó thâm nhập trực tiếp vào các chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ, mà phải thông qua các đầu mối nhập khẩu.

Đặc điểm của các kênh phân phối tại Nhật Bản là mỗi đơn vị thực hiện một chức năng riêng. Các đầu mối nhập khẩu lớn chịu trách nhiệm tìm kiếm nhà cung cấp từ nước ngoài, thực hiện các thủ tục nhập khẩu, còn các siêu thị chỉ tập trung vào việc bán lẻ. Đây là một trong những rào cản lớn đối với các công ty xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, các nhà phân phối lớn như Walmart, Costco, Amazon đều lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Họ đề cao yếu tố khắt khe về chất lượng, giá cả hàng hóa, kiểm soát rất chặt chẽ chất lượng đầu vào, yêu cầu nhà sản xuất phải đảm bảo tiêu chí xanh, trách nhiệm với môi trường, với người lao động.

Từ góc nhìn của nhà nhập khẩu, đại diện Aeon Topvalu Việt Nam nhận xét, hàng Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Mỗi nước có quy định khác nhau về quản lý chất lượng và quy chuẩn sản phẩm, nhưng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này nếu bỏ thêm tâm sức và chi phí.

Lãnh đạo Bộ Công thương đang rất kỳ vọng vào sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” - Vietnam International Sourcing 2024 diễn ra vào tháng 6 tới đây. Các tên tuổi phân phối bán lẻ trên toàn cầu như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon (Mỹ); Safeway (Canada); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); Ikea (Thụy Điển), LuLu (UAE)... sẽ hội tụ tại sự kiện này để tìm kiếm đối tác đủ tầm, kết hợp phân phối.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) tiết lộ, sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” năm nay không chỉ thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn, mà còn có sự vào cuộc của hệ thống thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục