Mocchaumilk: câu chuyện tăng trưởng của gtnfoods...
“Chúng tôi sẽ xây dựng Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu thành doanh nghiệp trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng trong tương lai”, ông Micheal Louis Rosen, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần GTNfoods (mã GTN) nói như vậy khi trả lời về định hướng phát triển của GTN với các ngành nghề kinh doanh trong tương lai của GTNfoods. Ở thời điểm hiện tại, GTN sở hữu chi phối công ty này thông qua Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, với số tiền thấp hơn rất nhiều con số 1.000 tỷ đồng.
Mocchaumilk - thương hiệu nổi tiếng lâu đời với sản phẩm sữa bò tươi ngon bậc nhất miền Bắc và loại phô mai hảo hạng chỉ bán tại một số nhà hàng cao cấp, được sở hữu bởi Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mocchaumilk). Đây không phải là công ty con do GTNfoods sở hữu trực tiếp, mà được nắm chi phối bởi Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – CTCP (Vilico) – nơi GTNfoods vừa hoàn tất nâng sở hữu lên 65% vốn điều lệ vào ngày 3/1/2017.
Việc hoàn tất thương vụ sở hữu Vilico, từ đó nắm chi phối Mocchaumilk vào những ngày cuối năm 2016, đã biến năm 2016 của GTNfoods trở thành năm thành công và tăng trưởng vượt trội của Công ty, có tính bước ngoặt lịch sử.
Sự thành công đó không đến từ con số lợi nhuận, mà ở việc hoàn tất xác định vị thế GTNfoods trên bản đồ ngành hàng nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam, khi Công ty hoàn tất sở hữu một số ngành nghề lớn như: sữa (Mocchaumilk), chè (Vinatea), rượu vang (Vang Đà Lạt – Thực phẩm Lâm Đồng – công ty liên kết), tre… trong đó, câu chuyện ấn tượng nhất chính là Mocchaumilk.
Đặc biệt, Mocchaumilk có lợi thế rất lớn về vùng nguyên liệu. Theo đó, việc sở hữu nhà máy sữa duy nhất ở khu vực chăn nuôi bò sữa lớn nhất của miền Bắc tại Mộc Châu, Sơn La, giúp Công ty có nguồn nguyên liệu lớn đảm bảo nhu cầu kinh doanh, nhưng không bị áp lực cạnh tranh.
Từ năm 2014, doanh số bán hàng của Mocchaumilk là 2.000 tỷ đồng. Với doanh số này, chưa cần có sự hỗ trợ về mặt chiến lược và nguồn lực tài chính của GTNfoods, Mocchaumilk đã là một doanh nghiệp khá lớn trong ngành, với hiệu quả kinh doanh ở mức khá. Trong khi đó, thị trường sữa tươi Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng được trên 30% nhu cầu người tiêu dùng, cộng thêm yếu tố tăng trưởng dân số và đời sống kinh tế người dân, đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp sữa. Có lẽ đó là lý do, sở hữu được Mocchaumilk, GTNfoods sở hữu luôn cả sự kỳ vọng của nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà không cần mất quá nhiều thời gian.
Những ngày này, GTNfoods đang bắt đầu thổi luồng gió mới vào Mocchaumilk bằng việc lên kế hoạch xây dựng kênh phân phối hiện đại và tổ chức chương trình làm thương hiệu đồng bộ, toàn diện... Một diện mạo và vị thế mới của Mocchaumilk đang hình thành, hứa hẹn phát huy được hết những thế mạnh sẵn có về thương hiệu, sản phẩm, vùng nguyên liệu và những cải tiến từ hệ thống GTNfoods.
... Và chiến lược đầu tư ngành hàng thực phẩm, nông nghiệp, đồ uống
Tại Vilico, ngoài Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu được nhắc đến như một khoản đầu tư đầy hứa hẹn của GTNfoods, Công ty còn có thêm lĩnh vực chăn nuôi (gà, bò, lợn…) ở nhiều địa phương. Trang trại nuôi gà của Vilico từng là trang trại lớn nhất tại miền Bắc trong nhiều năm, nhưng trong quá khứ chưa được đầu tư xứng đáng với tiềm năng tăng trưởng.
Đó là cơ hội cho GTNfoods trong chiến lược mở rộng đầu tư vào ngành này. Đây cũng là lý do vì sao GTNfoods trong năm 2016 đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả nhà đầu tư tài chính và các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, thức ăn chăn nuôi như Hanil Feed – doanh nghiệp có 44 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi và thực phẩm tại Hàn Quốc.
Một kế hoạch toàn diện cho mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ của Mocchaumilk đang được GTNfoods chuẩn bị áp dụng
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện đầu tư theo hình thức này vào Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao chiến lược mà GTNfoods đang theo đuổi và đặc biệt, tôi nhìn thấy hình ảnh của Hanil Feed trong bước đi của GTNfoods”, ông Sang-Hyup(Sammy) Cha, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hanil Feed nói về lý do lựa chọn đầu tư vào GTNfoods.
Tất nhiên, GTNfoods không chỉ có Mocchaumilk. Từ trước khi nâng sở hữu chi phối thành công Vilico, GTNfoods đã trở thành "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khi Công ty nắm trong tay 2 thương hiệu lớn về chè và rượu, là Vinatea của Tổng công ty Chè Việt Nam – CTCP (GTNfoods nắm 95% vốn điều lệ) và Vang Đà Lạt của Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (nắm 35% vốn điều lệ) và đưa ra thông điệp rõ ràng về định hướng phát triển của mình trong lĩnh vực này.
Trong số này, Vinatea là một câu chuyện dài kỳ của GTNfoods.
Chỉ 1 năm trước, sản phẩm chè các loại của Tổng công ty Chè Việt Nam còn khá xa lạ với hầu hết người dân, dù nhắc đến từ “Vinatea”, mọi người dân đều biết đến đó là cái tên đầy quyền lực của ngành chè Việt Nam, nơi sở hữu diện tích vùng nguyên liệu lớn nhất và rất nhiều thương hiệu chè nổi tiếng. Tình trạng này diễn ra không chỉ với những người yêu chè trong nước, mà cả những người yêu chè nước ngoài. Vậy, chè Vinatea đi về đâu?
Không được đầu tư bài bản, việc bỏ quên thị trường chè trong nước, không chú trọng làm thương hiệu trên trường quốc tế, mà chủ yếu bán hàng ra nước ngoài dưới hình thức chè nguyên liệu, khiến Vinatea một thời gian dài "dậm chân tại chỗ" dù sở hữu đầy đủ các yếu tố để có thể cạnh tranh không chỉ tại Việt Nam, mà cả trường quốc tế. Có lẽ đó là lý do chỉ trong 1 năm qua, thị trường bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt.
Cuối năm 2016, hàng loạt sản phẩm mới với bao bì, nhãn mác, nhận diện logo Vinatea mới được đồng loạt tung ra thị trường theo kênh phân phối mới cùng với một chiến lược marketing bài bản. Những ngày đầu, nhiều người còn đặt câu hỏi phải đến đâu để mua được sản phẩm của Vinatea, thì giờ đây, chè của Vinatea đã tràn ngập tại hơn 100 siêu thị lớn trên cả nước và con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Thị trường nhắc về sự hồi sinh của Vinatea như một niềm tự hào của hàng Việt Nam.
GTNfoods đã thổi hồn vào Vinatea như thế, với kỳ vọng về một tương lai Vinatea trở thành thương hiệu đồ uống của mọi người dân yêu trà Việt Nam và trên thế giới. Ban lãnh đạo Vinatea cho rằng, để biến những thay đổi này thành con số lợi nhuận là cả một hành trình dài, trước mắt, lợi ích lớn nhất là người lao động có cơ hội được cải thiện thu nhập, sản phẩm chè có cơ hội được phát triển mạnh hơn. Nhưng rõ ràng, khi làm được điều đó, Vinatea sẽ trở thành một ông lớn thực sự của lĩnh vực này, nơi mà quy mô thị trường lên tới hàng tỷ USD.
Và GTNfoods không đơn độc. Những bước đi quá khứ đã giúp GTNfoods đang nhận được cái nhìn thán phục từ chính các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và cả sự tin tưởng, sự kỳ vọng cao của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu năm 2016, Công ty đã phát hành thành công 750 tỷ đồng mệnh giá cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, nâng vốn điều lệ lên mức 1.500 tỷ đồng, trong đó TAEL Two Partners Limited mua 30 triệu cổ phần, nắm 20% vốn điều lệ sau phát hành. Bên cạnh đó là 3 nhà đầu tư khác gồm: Quỹ Beira Limited, SNET Vina, ông Micheal Louis Rosen (hiện đã là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị GTNfoods), với mỗi nhà đầu tư nắm 4% vốn điều lệ sau phát hành.
Cổ phiếu GTN của GTNfoods tăng gần 100% sau 1 năm kể từ thương vụ Vinatea. Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Khi thương vụ mua chi phối Vilico đang trong giai đoạn thực hiện, GTNfoods tiếp tục được nhà đầu tư ngoại chú ý. Cuối năm 2016, GTNfoods phát hành thêm 1.000 tỷ đồng mệnh giá cổ phần, với nhiều cái tên nhà đầu tư nước ngoài quen thuộc như: TAEL Two Partners Limited (25 triệu cổ phần), Micheal Louis Rosen, MLR1 Invest Limited, PENN IV Germany GmbH&Co KG, Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund, Hanil Feed, Probus Opportunities…
Có rất nhiều câu chuyện về sự sáng tạo để tìm ra con đường tăng trưởng và GTNfoods lựa chọn cho mình con đường bắt đầu từ gốc rễ nền kinh tế Việt Nam – khởi đầu từ nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống.
Các mảng kinh doanh mà GTNfoods đang theo đuổi đều có điểm khác biệt lớn các doanh nghiệp khác chính là sự chủ động về nguồn nguyên liệu. Chè Vinatea, sữa Mocchaumilk, rượu vang Đà Lạt… đều được sản xuất từ vùng nguyên liệu của chính các công ty thành viên, từ đó giúp Công ty kiểm soát được xuất xứ sản phẩm, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… Và việc gắn hoạt động sản xuất với an sinh xã hội đang tạo nên những giá trị cộng đồng lớn hơn rất nhiều.
Mùa xuân đang về. Trên vùng đất Mộc Châu mùa này, những lộc chè non đầy nhựa sống đang trực chờ bung mình ra khỏi lớp vỏ dày xù xì. Một sức sống mới đang đến với người dân tại Mộc Châu từ sự đi lên của những thương hiệu Việt mà GTNfoods đang đầu tư.