Những kỷ lục của ngành nông nghiệp
Có thể nói, chưa năm nào, ngành nông nghiệp lại trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như năm nay.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, năm 2016 là một năm khó khăn, vất vả nhất đối với ngành NN&PTNT khi thiên tai xảy ra khốc liệt trên khắp mọi vùng miền của đất nước.
Có thể nói, năm nay là năm "kỷ lục" về thiên tai: Đầu năm là trận rét lịch sử 50 năm ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc, tiếp đó là đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; đợt hạn, mặn lịch sử 100 năm ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến 10/13 tỉnh phải công bố thảm họa thiên tai.
Cuối năm, liên tục từ đầu tháng 10 cho đến tháng 12/2016 năm đợt lũ lịch sử liên tiếp xảy ra đối với 8 tỉnh Nam Trung bộ và một số tỉnh Tây Nguyên. Ước tính, thiệt hại do thiên tai cho nền kinh tế năm nay là 39.000 tỷ đồng, gấp ba lần mức thiệt hại bình quân của 5 năm qua.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Thế nhưng, chỉ trong 6 tháng cuối năm, nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của bà con nông dân và sự quan tâm từ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành... nông nghiệp đã lấy lại được đà tăng trưởng, GDP tăng 1,36%. Thậm chí, xuất khẩu còn đạt kỷ lục 32,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD và vẫn duy trì được 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên.
Có thể nói, kỳ tích đi lên của ngành nông nghiệp năm qua có dấu ấn của tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Đơn cử, ngay khi cơn bão số 1 (đầu tháng 8/2016) xảy ra, khiến 229.000ha, chiếm khoảng 40% diện tích lúa khu vực Đồng bằng sông Hồng vừa cấy xong bị ngập lụt. Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, người vừa mới nhậm chức “tư lệnh” ngành NN&PTNT đã trực tiếp xuống bàn với 4 tỉnh trọng điểm để chỉ đạo công tác khắc phục, phục hồi sản xuất nhờ đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão này gây ra. Vụ mùa đó, nước ta đã bội thu với năng suất 60-62 tạ/ha.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn và khuyến khích đúng các sản phẩm có lợi thế cũng khiến ngành nông nghiệp bứt tốc.
Chẳng hạn như ngành thủy sản, đặc biệt là con tôm nước lợ tốc độ phát triển năm nay tăng tới 9%. Dù bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trong những tháng đầu năm khiến sản lượng tôm sụt giảm, đạt chưa đến 200.000 tấn (bằng 28% kế hoạch đề ra), nhưng với kế hoạch hành động quyết liệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã trực tiếp chỉ đạo các hội nghị cùng với các địa phương về quản lý giống, nuôi và tiêu thụ, nên 6 tháng cuối năm sản lượng tôm đạt vượt 650.000 tấn; xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD. Đây là một sự gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu rất đáng ấn tượng.
Thịt lợn năm nay cũng ghi dấu ấn đậm nét khi đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay với khoảng trên 30 triệu con, trong đó đàn giống chiếm khoảng 10%. Đáng lưu ý, bộ giống lợn nước ta được đánh giá thuộc nhóm các nước có nền công nghệ hiện đại. Cùng với đó, đến nay 200 doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn có thể sản xuất tới 25 triệu tấn công suất và năm nay đạt sản lượng 16,8 triệu tấn. Như vậy, chúng ta đủ cung cấp cho chăn nuôi lớn, kể cả cho đàn lợn, trâu, bò và gia cầm.
Một điểm mạnh nữa là sự thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, 55% sản lượng của thịt lợn và gia cầm được nuôi trong những trang trại quy mô vừa và lớn. Đây là một bước tiến bộ rất lớn của ngành chăn nuôi.
Trong năm 2016 mặt hàng rau quả cũng có sự phát triển và gia tăng kim ngạch xuất khẩu vượt trội. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,9 tỷ USD, thấp hơn lúa gạo (đạt 2,4 tỷ USD) thì năm nay có sự đổi ngôi – kim ngạch xuất khẩu rau quả cán đích 2,4 tỷ USD; còn kim ngạch xuất khẩu lúa gạo năm nay đạt 1,9 tỷ USD - cho thấy tiềm năng, lợi thế của rau và quả Việt Nam còn rất lớn. Nếu tập trung phát triển tốt lĩnh vực này thì trong thời gian ngắn kim ngạch xuất khẩu có thể tăng lên 3 tỷ USD, thậm chí nhiều hơn ở thời kỳ trung và dài hạn.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành
Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc trong bối cảnh khó khăn chồng chất, song lãnh đạo Bộ NN&PTNT vẫn khách quan nhìn nhận, nông nghiệp nước ta vẫn là một nền nông nghiệp dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính, sản xuất còn manh mún với tổng số 13,8 triệu hộ và 78 triệu miếng ruộng. Chính vì thế, việc thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới đặt ra cấp bách . Trong đó, nút thắt đầu tiên phải tháo gỡ là đất đai.
"Muốn có một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất của hộ nông dân theo quy mô HTX gắn kết với doanh nghiệp làm sao hình thành được những chuỗi sản phẩm, vùng nông nghiệp tập trung, có quy mô hàng hóa nhất định. Thứ hai, chúng ta phải tập trung nhiều giải pháp KHCN, trong đó tập trung ứng dụng nhiều công nghệ cao để nền nông nghiệp nước ta có giá thành vừa phải, có thể cạnh tranh thành công trong hội nhập một cách bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Gần đây, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ KHCN và các bộ ngành đang tập trung vào những vấn đề then chốt, trong đó có việc hình thành thị trường giao dịch về KHCN. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta phải liên kết, phải có cơ chế để phát huy tối đa sức mạnh, lôi kéo doanh nghiệp, nông dân vào cuộc để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh nông nghiệp. Điển hình như Lâm Đồng, vừa qua tất cả nông dân, doanh nghiệp vào cuộc cùng nhà nước làm khoa học, có như vậy chúng ta mới đảm bảo sản xuất có giá thành vừa phải, liên tục đưa ra sản phẩm cạnh tranh và hội nhập quốc tế được.
Xuất khẩu rau quả đạt có thể đạt 3 tỷ USD trong thời gian ngắn tới
Năm 2017 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016.
Tuy vậy, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả 2 nhiệm vụ lớn là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập; trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt 2,5-2,8%; tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đạt 3,0 - 3,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 32,0 - 32,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%; tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới đạt 28-30%. Năm 2017, Bộ tiếp tục xác định là Năm cao điểm hành động về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần có biện pháp quyết tâm, đồng bộ hơn. Về quản lý ngành, phải rà soát từ Trung ương đến địa phương để làm sao có một sự đổi mới theo hướng quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân thuận lợi, thông thoáng hơn.
Năm 2017 Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm chủ lực có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn); Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/Thành phố; Nhóm sản phẩm vùng/miền.
“Tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh và phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Điểm đáng mừng là trong năm 2016, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia đổ vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến chuỗi sản xuất đem lại giá trị cao nhất.
“Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực, phấn đấu này. Nó không chỉ làm tiền đề cho năm nay mà còn cho giai đoạn tới khi chúng ta thúc đẩy nhanh hơn tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để hướng tới nền nông nghiệp hội nhập, hiệu quả kinh tế cao và bền vững” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.