Nông nghiệp đặt kế hoạch xuất khẩu 32 tỷ USD sau năm 2014 "đại thắng"

Năm 2015, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 32 tỷ USD, sau khi đã “đại thắng” với con số xuất khẩu kỷ lục 30,86 tỷ USD trong năm 2014. Thế nhưng, bình luận về con số này, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ sự tiếc rẻ.
Đã xuất hiện mô hình nông nghiệp mang lại doanh thu 1-2 tỷ đồng/ha/năm, song còn quá ít. Ảnh: Đức Thanh Đã xuất hiện mô hình nông nghiệp mang lại doanh thu 1-2 tỷ đồng/ha/năm, song còn quá ít. Ảnh: Đức Thanh

Con số 3.100 USD của Việt Nam và 2 triệu euro của thế giới

GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp kỳ cựu cho rằng, đáng lẽ, Việt Nam còn thu được gấp đôi, gấp ba con số này, nếu như xuất khẩu nông - lâm - thủy sản không dừng ở dạng thô là chủ yếu như hiện nay.

“Chúng ta đang xuất khẩu ở dạng thô, với giá quá rẻ”, GS. Xuân nhận xét.

Câu chuyện mà GS. Võ Tòng Xuân đề cập không mới, song tính cấp thiết của nó thì đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Việt Nam vốn được coi là mảnh vườn, là góc bếp của thế giới, nhưng thu nhập của người nông dân có lẽ thuộc loại thấp nhất thế giới.

Tại Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT năm 2014 mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nêu ra một con số so sánh đáng giật mình: Hiện thu nhập trên một

héc - ta gieo trồng ở Việt Nam bình quân chỉ đạt 3.100 USD/năm (tương đương hơn 60 triệu đồng/năm), trong khi đó, ở Đài Loan, con số này là 12.000 USD, ở Hà Lan là 40.000 USD, cá biệt có một số mô hình nông nghiệp mang lại thu nhập “khủng” 2 triệu euro/năm.

“Hiện chúng ta có 47 triệu lao động là nông dân, trong đó mức thu nhập bình quân mỗi người chỉ khoảng 25-26 triệu đồng/năm”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Trên thực tế, đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp mang lại doanh thu 1-2 tỷ đồng/ha/năm tại Lâm Đồng, TP.HCM…, song số mô hình này còn quá ít. Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn manh mún, nhỏ lẻ, đứt đoạn, chưa khép kín, công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp… Câu chuyện thanh long, dưa hấu… được mùa, mất giá phải vứt bỏ đầy đồng năm qua là ví dụ điển hình.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành nông nghiệp nước ta đang đứng trước cơ hội  lớn để cải tổ. Trước hết, đó là quyết tâm tái cơ cấu rất cao của Chính phủ. Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nói lên tầm quan trọng của nông nghiệp và đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp. Tiếp đến, thị trường cho nông sản nước ta đang và sẽ rất mở rộng. Hiện xuất khẩu nước ta vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường chính.

Bước sang năm 2015, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và một số hiệp định khác như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết, thị trường xuất khẩu cho nông - lâm - thủy sản nước ta sẽ được mở ra rất rộng.

Vấn đề đặt ra là, liệu các doanh nghiệp và địa phương có chuyển biến kịp để nắm bắt cơ hội vàng này hay không? Hiện nay, các doanh nghiệp chưa yên tâm, chưa mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp để tạo thành chuỗi liên kết từ nhà vườn cho đến nhà tiêu thụ. Đây cũng là lý do khiến thu nhập của người nông dân Việt Nam đang đứng ở mức rất thấp, dù nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu nước ta đứng hàng đầu thế giới.

Đồng Tháp thí điểm việc “xé rào”

Theo các chuyên gia nông nghiệp, tái cơ cấu không chỉ là thời cơ để ngành nông nghiệp chuyển mình, mà còn là cơ hội để thay đổi cả nền kinh tế Việt Nam.

Chỉ tay vào tấm bản đồ “vẽ” Đồng Tháp đẹp như mơ trong tương lai với những cánh đồng chuyên canh thẳng cánh cò bay, khu vực nuôi cá được quy hoạch hiện đại và làng hoa Sa Đéc công nghệ cao rực rỡ sắc màu, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đang quyết tâm tái cơ cấu ngành NN&PTNT.

Là đơn vị thí điểm, nếu thành công, Đồng Tháp sẽ là mô hình tốt để nhân rộng ra toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, trong tương lai, Đồng Tháp sẽ có những chuỗi sản xuất nông nghiệp từ đồng ruộng, vườn cây, ao cá theo quy mô sản xuất lớn áp dụng công nghệ tiên tiến, các thung lũng lúa gạo, các tổ hợp công nghiệp - nông nghiệp và dịch vụ, công nghệ chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến thương mại trong tiêu thụ nông sản…

Những nỗ lực và quyết tâm tái cơ cấu của Đồng Tháp đang có những kết quả đầu tiên. Mới đây, tỉnh cũng đã ký được thỏa thuận hợp tác công - tư (PPP) với Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC). Theo đó, KRC sẽ cung cấp toàn bộ thiết bị, cơ giới hóa toàn bộ 20.000 ha đất lúa tại Đồng Tháp. KRC cũng cam kết, sau khi tạo lập cơ sở hạ tầng, KRC sẽ kéo hàng loạt doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc trong các lĩnh vực bán máy móc, phân bón, thuốc, vật tư nông nghiệp; doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm… đổ bộ vào Việt Nam.

Từ câu chuyện của KRC và Đồng Tháp, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, việc gọi vốn FDI vào ngành nông nghiệp là không khó, nếu các địa phương biết tìm ra được thế mạnh của mình và xây dựng được phương án tái cơ cấu khả thi để kêu gọi vốn.

Trước Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thành công khi xác định lợi thế của mình là chăn nuôi để kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp.

Dĩ nhiên, để gọi được vốn đầu tư, ngoài môi trường kinh doanh thông thoáng, các chính sách thu hút đầu tư phải hấp dẫn. Đây chính là lý do tỉnh Đồng Tháp - đơn vị thực hiện thí điểm tái cơ cấu ngành NN&PTNT - đang có hẳn một danh sách ưu đãi “xé rào” đề nghị Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, tỉnh đề nghị cho phép hỗ trợ 50% lãi suất cho hộ gia đình và cá nhân thuê đất sản xuất nông nghiệp; ưu tiên vay và hỗ trợ 50% lãi suất cho khoản vay san bằng mặt ruộng cho các hộ dân liên kết sản xuất; hỗ trợ ngân sách cho doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp - dịch vụ phục vụ nông nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…

Qua đây, có thể thấy, tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng, song nguồn lực tái cơ cấu nông nghiệp vẫn đang chờ sự hỗ trợ rất nhiều từ khâu chính sách.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về đề nghị “xé rào” chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, dù Nghị định 201/2014/NĐ-CP đã có hiệu lực, song theo phản ánh của các địa phương, Nghị định này tác động chưa cao như mong đợi và chậm đi vào cuộc sống.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương đánh giá lại tác động của Nghị định 201/2014/NĐ-CP. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khiến vốn đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế chứ không chỉ do chính sách ưu đãi thấp. Ví dụ, điều kiện để hưởng ưu đãi cao, nguồn lực hỗ trợ thực hiện chính sách ưu đãi còn hạn chế…”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Thùy Liên
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục