Nóng chuyện thu hút và giữ chân nhân sự ngân hàng

(ĐTCK) Từ đầu năm 2018 đến nay, số ngân hàng công bố tuyển dụng nhân sự ngày một tăng, với mức tuyển hàng trăm, hàng ngàn người. Việc nhiều ngân hàng đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự ngay từ đầu năm là không bất ngờ nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của toàn ngành trong năm 2017 và những dự báo khả quan cho năm 2018.
Nam A Bank dự kiến tuyển dụng thêm 1.000 nhân sự trong năm 2018. Nam A Bank dự kiến tuyển dụng thêm 1.000 nhân sự trong năm 2018.

Tăng cường nhân sự khi kinh doanh khởi sắc

Đầu năm, Nam A Bank công bố tuyển dụng 1.000 nhân sự trong năm 2018, nhắm đến các vị trí: giám đốc/phó giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch; trưởng phòng/bộ phận kinh doanh; giao dịch viên cùng các vị trí chuyên viên trong các mảng quan hệ khách hàng, kinh doanh thẻ, tiếp thị sản phẩm ngoại hối, công nghệ thông tin... Được biết, trong quý III/2017, ngân hàng này đã tuyển dụng mới 500 nhân sự cho nhiều vị trí.

Ông Nguyễn Lương Hiếu, Trưởng phòng Nhân sự và Đào tạo, Nam A Bank cho biết, việc tuyển dụng số lượng lớn nhân sự là nhằm phục vụ cho việc mở rộng quy mô và phát triển kinh doanh của Ngân hàng.

Hàng loạt ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, VIB, VPBank, Sacombank, SeABank, HDBank... cũng đã đăng tin tuyển dụng nhiều nhân sự cho các vị trí.

Chẳng hạn, Sacombank tuyển dụng nhân viên kế toán, chuyên viên tín dụng, chuyên viên khách hàng, chuyên viên phát triển sản phẩm, chuyên viên kinh doanh thẻ...; VIB tuyển dụng giao dịch viên, quản lý khách hàng cao cấp, chuyên viên thu hồi nợ, trưởng nhóm xử lý nợ xấu, chuyên viên dịch vụ khách hàng... cho các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc; VPBank tuyển dụng hàng trăm nhân viên cho các chi nhánh, phòng giao dịch…

Với tình hình kinh doanh khởi sắc, triển vọng tăng trưởng lạc quan, các ngân hàng mạnh tay tuyển dụng nhân sự, nhằm chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là VPBank, HDBank, MBBank, bởi các ngân hàng này đã tuyển thêm nhiều nhân viên nhất trong năm qua. Các nhân sự mới tập trung vào mảng tài chính tiêu dùng, khi nhiều nhà băng theo đuổi chiến lược đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, nhất là khi có công ty tài chính trực thuộc như VPBank có FE Credit, HDBank có HDSAISON.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VPBank, cuối năm 2017, số lượng cán bộ, nhân viên của Ngân hàng đạt 23.879 người, tăng gần 6.500 người so với đầu năm. Trong đó, số nhân viên tăng thêm ở ngân hàng mẹ là hơn 2.100 người, còn hơn 4.300 nhân sự tuyển thêm cho 2 công ty con, chủ yếu là FE Credit.

Tương tự, năm vừa qua, HDBank đã phát triển thêm hơn 22% khách hàng cá nhân, 14% khách hàng doanh nghiệp, mở rộng thêm 19 chi nhánh và phòng giao dịch, nâng tổng số chi nhánh/phòng giao dịch trên toàn hệ thống lên 240 điểm. Riêng Công ty Tài chính tiêu dùng HDSAISON phục vụ được 3,4 triệu khách hàng với hơn 10.000 điểm bán hàng và giới thiệu dịch vụ. Cùng với sự mở rộng, phát triển trên, HDBank đã tăng thêm 2.600 nhân sự trong năm 2017, nâng tổng số lên 13.728 người.

Báo cáo tài chính của các nhà băng cho thấy, tổng số lượng nhân sự của 14 ngân hàng gồm BIDV, VPBank, VietinBank, Sacombank, Vietcombank, HDBank, MBBank, ACB, Techcombank, LienVietPostBank, Eximbank, VIB, TPBank, NCB đến cuối năm 2017 là hơn 178.000 người, trong đó có gần 20.000 người được tuyển thêm, tăng 13% so với cuối năm 2016.

Mới đây nhất, ACB mở chiến dịch tuyển dụng với tên gọi “Đối tác sự nghiệp” trên toàn quốc, thời gian thực hiện đến tháng 6/2018. Trong đợt này, Ngân hàng sẽ tuyển 900 vị trí kinh doanh, chăm sóc khách hàng, vận hành…, hướng đến người có kinh nghiệm và sinh viên đã tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp.

Nóng chuyện thu hút và giữ chân nhân sự ngân hàng ảnh 1

 Tính đến cuối năm 2017, lượng nhân viên của VPBank đạt 23.879 người, tăng gần 6.500 người so với đầu năm

Ứng viên sẽ không thi tuyển đầu vào nếu có kinh nghiệm hai năm trở lên hoặc nộp đơn vào vị trí chuyên viên. Chiến dịch tuyển dụng của ACB nhấn mạnh mối quan hệ giữa ACB và ứng viên là mối quan hệ đối tác dựa trên nguyên tắc win - win. Với nhân viên, đó chính là sự phát triển nghề nghiệp. Vì vậy, ACB tích cực thay đổi chính sách nhân sự để tạo điều kiện cho nhân sự phát triển như trao quyền tự quyết định con đường thăng tiến, phát huy năng lực làm chủ sự nghiệp của từng cá nhân, với người có tố chất lãnh đạo sẽ có cơ hội lớn.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB Trần Hùng Huy, trong hơn 25 năm phát triển, từ 20 con người thuở ban đầu, đến nay, ACB có hơn 10.000 nhân viên đang làm việc toàn thời gian tại 356 chi nhánh, phòng giao dịch, hội sở và các công ty con. 80% nhân sự lãnh đạo trung, cao cấp hiện nay đều phát triển từ nội bộ. ACB luôn chú trọng nguồn nhân lực. Bên cạnh việc gia tăng nhân lực, đẩy mạnh kinh doanh, ACB chi hàng triệu USD cho việc quản lý nhân sự, bao gồm xây dựng hệ sinh thái tích hợp công nghệ trong quản lý lương thưởng, đánh giá, tuyển dụng, đào tạo nhân viên...

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, số lượng nhân sự trong ngành tài chính ngân hàng trong năm qua tăng nhanh nhưng với sự phát triển của ngành ngân hàng hiện nay thì nhu cầu nhân sự vẫn rất lớn. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi số lượng nhân sự làm trong lĩnh vực ngân hàng mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Lương, thưởng hấp dẫn

Kỳ họp đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng đẩy mạnh phát hành cổ phiếu ESOP. Tháng 3/2018, Đại hội đồng cổ đông Techcombank đã thông qua kế hoạch phát hành ESOP, bán cổ phần cho người lao động. Nguồn phát hành được lấy từ nguồn cổ phiếu quỹ với khoảng hơn 17 triệu cổ phiếu. Điều kiện được mua cổ phiếu ưu đãi là người lao động phải có ít nhất 1 năm làm việc tại Ngân hàng và đáp ứng một số tiêu chí khác. Giá mua cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi trên thị trường OTC có giá khoảng 100.000 đồng/cổ phiếu.

Đại hội đồng cổ đông VPBank đã thông qua kế hoạch phát hành 33 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên theo chương trình ESOP trong quý II năm nay. Giá phát hành bằng mệnh giá, thấp hơn nhiều so với mức giá trên sàn chứng khoán (khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu).

HDBank sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. VIB có kế hoạch sử dụng 1.975.500 cổ phiếu quỹ để thưởng cho cán bộ, nhân viên…

Trên thực tế, việc phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trong khối ngân hàng đã được nhiều nhà băng áp dụng như LienVietPostBank, ACB, MBBank. Theo đánh giá của các chuyên gia, đó là chính sách tốt, vừa giúp ngân hàng có thêm vốn, vừa giữ chân nhân tài. Cổ phiếu ESOP trở nên hấp dẫn hơn khi giá cổ phiếu ngân hàng suốt năm 2017 và các tháng đầu năm 2018 tăng mạnh, trở lại vị thế cổ phiếu “vua”.

Khảo sát của Navigos Group, đơn vị sở hữu trang tìm kiếm việc làm VietnamWorks và công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search về nhân sự ngành ngân hàng cho thấy, có 90% ngân hàng chi trả mức thu nhập cho nhân viên từ 10 - 30 triệu đồng/tháng. Nhưng 26% ngân hàng cho rằng, mức lương và chế độ đãi ngộ hiện tại của họ chưa thực sự cạnh tranh và là khó khăn lớn nhất trong việc tuyển nhân sự.

Chia sẻ về mức thưởng, phần lớn nhân viên tại các ngân hàng được khảo sát cho biết, mức thưởng họ nhận được hàng năm tương đương 1 - 3 tháng lương. Có 18% số người được hỏi nhận mức thưởng 3 - 5 tháng lương, 7% nhận được mức thưởng 5 - 7 tháng lương, 5% nhận được mức thưởng trên 7 tháng lương mỗi năm. 

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành ngân hàng của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước công bố hồi đầu năm, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng trong năm 2018 là rất lớn. 52,1% tổ chức tín dụng cho biết đã tuyển thêm lao động trong quý IV/2017 nhưng vẫn có 25,3% tổ chức tín dụng nhận định đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại. Với nhu cầu đó, cùng với việc mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm 2018, có 52,1% tổ chức tín dụng lên kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong quý I/2018 và 68,7% tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tăng số lao động trong cả năm 2018.

Anh Nguyên
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục