Nomura: Điều tồi tệ nhất chưa xảy ra đối với lạm phát lương thực ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Nomura Holdings, giá thực phẩm đang nóng ở châu Á có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, trong đó Singapore, Hàn Quốc và Philippines là các quốc gia sẽ có mức tăng giá mạnh nhất.
Nomura: Điều tồi tệ nhất chưa xảy ra đối với lạm phát lương thực ở châu Á

Trong một báo cáo hôm thứ Hai (20/6), Nomura cho biết, giá thực phẩm ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản trong tháng 5 đã tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước từ mức 2,7% trong tháng 12. Tốc độ đó sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm nay do khoảng thời gian chênh lệch khoảng 6 tháng giữa biến động chi phí lương thực toàn cầu và tác động của nó ở châu Á. Các vấn đề như các biện pháp kiểm soát đại dịch ở Trung Quốc, dịch tả lợn ở Thái Lan và đợt nắng nóng ở Ấn Độ càng làm gia tăng thêm áp lực chi phí lương thực trên toàn cầu.

“Nhận thức của người tiêu dùng về lạm phát bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi giá của các mặt hàng thiết yếu được mua thường xuyên, chẳng hạn như thực phẩm, và có thể dẫn đến kỳ vọng lạm phát cao hơn”, báo cáo cho biết thêm rằng Jakarta và Manila đã phải tăng mức lương tối thiểu để giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt cao hơn.

Giá lương thực dự kiến sẽ tăng cao hơn trên khắp châu Á trong những tháng tới

Giá lương thực dự kiến sẽ tăng cao hơn trên khắp châu Á trong những tháng tới

Báo cáo của Nomura cho biết, lạm phát đang lan rộng ra ngoài ngũ cốc và dầu ăn sang các ngành hàng khác như thịt, thực phẩm chế biến và thậm chí cả ăn uống ở ngoài. Gạo là lương thực cho đến nay được giữ ổn định với lượng dự trữ dồi dào nhưng có thể sẽ tiếp diễn xu hướng tăng giá như các mặt hàng khác nếu nhu cầu tăng cao khi các quốc gia tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho lúa mì đắt tiền.

Đó là những dấu hiệu cảnh báo chớp nhoáng đối với các nhà nhập khẩu thực phẩm lớn như Singapore, quốc gia dự kiến sẽ chứng kiến lạm phát lương thực tăng gấp đôi lên 8,2% trong nửa cuối năm từ mức 4,1% hiện nay. Theo ước tính của Nomura, Ấn Độ có thể sẽ đạt mức lạm phát cao nhất ở mức 9,1% vào cuối năm do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.

Trong khi các ngân hàng trung ương của châu Á cam kết sẽ xem xét các cú sốc từ phía cung, Nomura cho biết các hiệu ứng vòng thứ hai (second-round effects: những tác động gián tiếp của giá năng lượng cao hơn lên tỷ lệ lạm phát chung) dần dần sẽ kích hoạt quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ nhanh hơn.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục