Nhiều khả năng vào tháng 9/2016 tới, các thông tin chi tiết về việc hợp tác giữa Microsoft châu Á - Thái Bình Dương và FPT Trading nhằm “vực dậy” thương hiệu Nokia tại thị trường Việt Nam mới chính thức được công bố. Song đã bắt đầu có những nguồn tin úp mở về việc này, khi mà cuối tháng 7 vừa qua, hai bên đã có những cuộc gặp gỡ đầu tiên.
Tại cuộc gặp này, ông James Rutherfoord, Tổng giám đốc ngành hàng thiết bị di động Microsoft khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, HMD Global - công ty mới thành lập tại Phần Lan, hiện đã được phép sử dụng độc quyền thương hiệu Nokia trên các dòng điện thoại di động và máy tính bảng trong 10 năm tới, dự kiến ra mắt 2 sản phẩm điện thoại phổ thông mới trong quý IV/2016 và ít nhất 2 sản phẩm smartphone mang thương hiệu Nokia vào đầu quý II/2017.
Tất nhiên, các sản phẩm này cũng sẽ được bán tại thị trường Việt Nam, thậm chí còn có thể được sản xuất tại nhà máy Microsoft Bắc Ninh - nhà máy mà sắp tới sẽ thuộc quyền sở hữu của FIH Mobile, một công ty con của Tập đoàn Foxconn (Đài Loan - Trung Quốc), sau khi Microsoft hoàn tất thương vụ bán bộ phận điện thoại phổ thông mà họ đã từng mua lại của Nokia cho FIH Mobile và HMD Global. FIH Mobile chính là đối tác của HMD trong việc sản xuất và phân phối hàng loạt điện thoại và máy tính bảng Android.
HMD Global đang có những động thái nhằm khôi phục hình ảnh của những chiếc điện thoại mang thương hiệu Nokia, trong đó có việc mời cựu CEO Rovio, nhà sản xuất trò chơi Angry Birds, về làm giám đốc marketing
Nhiều thông tin gần đây cho biết, HMD Global đang có những động thái nhằm khôi phục hình ảnh của những chiếc điện thoại mang thương hiệu Nokia, trong đó có việc mời cựu CEO Rovio, nhà sản xuất trò chơi Angry Birds, về làm giám đốc marketing. Sự xuất hiện của Pekka Rantala với vai trò Giám đốc marketing của HMD được đánh giá là cơ hội thứ hai để cứu thương hiệu Nokia. Trước khi giữ chức vụ CEO Rovio, Rantala cũng đảm nhận nhiều vai trò tại bộ phận marketing của Nokia trong giai đoạn 1994 - 2011.
Và không chỉ là sự xuất hiện của ông Pekka Rantala, HMD thậm chí đã dự kiến chi 500 triệu USD trong vòng 3 năm tới để đầu tư cho điện thoại và máy tính bảng Nokia. Tất cả là để đưa thương hiệu điện thoại Nokia lừng lẫy một thời quay trở lại.
Một khi thương hiệu Nokia được vực dậy, thì nó sẽ tái xuất tại thị trường Việt Nam, trên cả phương diện thương mại và sản xuất. Hiện nhà máy tại Bắc Ninh vẫn đang thuộc quyền sở hữu của Microsoft và vẫn đang hoạt động bình thường, mặc dù thông tin về việc Microsoft sẽ bán bộ phận điện thoại phổ thông đã được công bố chính thức từ hồi tháng 5 vừa qua. Nhà máy có vốn đầu tư 302 triệu USD này ban đầu thuộc về Nokia, sau đó được bán cho Microsoft và giờ sắp sửa quay lại với đúng “sứ mệnh” ban đầu là sản xuất các dòng điện thoại mang thương hiệu Nokia.
Trong khi đó, cũng tại thị trường Việt Nam, “phần còn lại” của Nokia cũng đang nỗ lực để tăng cường khẳng định sự hiện diện của mình. Mới hơn 1 tuần trước đây, ông Harald Preiss, Giám đốc khu vực Bắc Á của Nokia (Phần Lan) đã tới Việt Nam và gửi đi thông điệp rằng, Việt Nam chính là thị trường trọng điểm của Nokia. “Chúng tôi cam kết hiện diện vững mạnh và lâu dài như là một phần quan trọng trong hệ sinh thái di động băng rộng tại Việt Nam, giống như Nokia đã từng đóng góp trong quá trình số hóa mạng tổng đài cố định và mạng di động GSM trong những năm 90”, ông Harald Preiss nói.
Nokia đã từng làm vua trên thị trường điện thoại, nhưng rồi đế chế đó sụp đổ và họ đã buộc phải bán lại bộ phận thiết bị và dịch vụ cho Microsoft với giá 7,2 tỷ USD. “Phần còn lại” của Nokia cho đến nay chỉ tập trung vào các sản phẩm viễn thông không dây và cố định. Tại Việt Nam, Nokia có hơn 150 nhân viên và là đối tác với các nhà mạng như VNPT, Viettel và MobiFone trên các lĩnh vực mạng di động, mạng cố định, mạng IP và quang, ứng dụng, phân tích.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ các nhà mạng Việt Nam triển khai chương trình thử nghiệm 4G và sẽ nỗ lực tối đa trong việc mang đến cho thị trường những cải tiến mạnh mẽ về công nghệ di động, giúp cho các cá nhân và doanh nghiệp tận dụng được nhiều lợi ích từ môi trường di động hơn bất kỳ lúc nào”, ông Harald Preiss nói và khẳng định rằng, Nokia đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp LTE chính cho các nhà mạng và mang đến cho khách hàng danh mục sản phẩm và giải pháp tổng thể. Internet of Things (Internet vạn vật) và hệ sinh thái 5G cũng là tầm nhìn của Nokia tại thị trường Việt Nam.
Rõ ràng, cả Nokia và “phần còn lại” của Nokia đang nỗ lực hết mình để đưa thương hiệu Nokia quay trở lại. Liệu họ có thành công hay không? Câu hỏi này sẽ sớm được trả lời.