Nỗi thất vọng mang tên Vinawaco hậu cổ phần hóa

Sau 2 năm được Nhà nước nhường quyền chi phối, Tổng công ty Xây dựng đường thủy - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thi công cảng biển chưa thể có được đà bứt phá như kỳ vọng.
Vinawaco hiện vẫn bị nợ đọng vốn tại Dự án Luồng cho tàu biển vào sông Hậu. Vinawaco hiện vẫn bị nợ đọng vốn tại Dự án Luồng cho tàu biển vào sông Hậu.

Lao dốc

Nhiều cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (Vinawaco) tổ chức mới đây đã không giấu được tiếng thở dài khi nhìn vào kết quả kinh doanh lao dốc nghiêm trọng mà HĐQT doanh nghiệp đệ trình.

Cụ thể, trong năm 2016, tổng giá trị sản lượng của đơn vị vẫn được coi là đầu tàu, có nhiều lợi thế trong việc thi công công trình hàng hải, bao gồm cả xây dựng cầu cảng, nạo vét luồng chỉ đạt 333 tỷ đồng; doanh thu 440 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1,8 tỷ đồng, lần lượt bằng 1/4, 1/3 và 1/12 kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 thông qua.

Với kết quả kinh doanh trên, các cổ đông Vinawaco sẽ nhận cổ tức chỉ vỏn vẹn 0,6%, thấp rất nhiều so với mức bình quân của các tổng công ty xây lắp ngành giao thông - vận tải (dao động từ 6% đến 10%).

Trái ngược với kỳ vọng của cổ đông khi tiến hành cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của “ông lớn” xây dựng đường thủy từ tháng 5/2014 đến 31/12/2016 chỉ đạt 24,7 tỷ đồng. 

Sau khi tiến hành nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quyết toán thuế giai đoạn 1/7/2013 – 31/12/2014 (10,1 tỷ đồng) và khoản phạt vi phạm hành chính theo quyết toán thuế (10,091 tỷ đồng), lợi nhuận của Vinawaco trong ròng rã hơn 2,5 năm chỉ có 1,6 tỷ đồng.    

Ông Lưu Đình Tiến, thành viên HĐQT - người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinawaco (chiếm 36% vốn điều lệ) đánh giá, đây là kết quả kinh doanh thấp nhất của doanh nghiệp có số vốn điều lệ lên tới 300 tỷ đồng này trong khoảng 3 năm trở lại đây.

Vẫn theo người đại diện phần vốn Nhà nước từng có thời gian dài là CEO của Vinawaco, kế hoạch kinh doanh năm 2017, dù đã được xây dựng giảm so với năm ngoái (718,9 tỷ đồng/1.250 tỷ đồng), nhưng khả năng con tàu chuyên dụng Vinawaco tiếp tục hụt hơi là rất lớn. Nhận định này là có cơ sở khi đến ngày 30/62017, giá trị sản lượng toàn Tổng công ty mới đạt 250 tỷ đồng, tương ứng 35% kế hoạch, trong khi số dự án mới trúng thầu hoặc bước vào giai đoạn thi công gần như không có.

Cần phải nói thêm rằng, kết quả kinh doanh trong giai đoạn hậu cổ phần hóa (tháng 4/2014) đến nay của Vinawaco cũng không có nhiều khởi sắc, ngay cả khi có sự xuất hiện của cổ đông chiến lược xuất thân từ khối doanh nghiệp tư nhân.

Trái ngược với kỳ vọng của cổ đông khi tiến hành cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của “ông lớn” xây dựng đường thủy từ tháng 5/2014 đến 31/12/2016 chỉ đạt 24,7 tỷ đồng. Sau khi tiến hành nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quyết toán thuế giai đoạn 1/7/2013 – 31/12/2014 (10,1 tỷ đồng) và khoản phạt vi phạm hành chính theo quyết toán thuế (10,091 tỷ đồng), lợi nhuận của Vinawaco trong ròng rã hơn 2,5 năm chỉ có 1,6 tỷ đồng.

Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty có trách nhiệm phối hợp với HĐQT Tổng công ty phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người có liên quan và xử lý các vấn đề có liên quan đến nội dung này theo quy định.

Lối thoát mông lung

Không chỉ cổ đông Nhà nước, kết quả kinh doanh của Vinawaco chắc chắn cũng không làm hài lòng nhóm cổ đông đang giữ vai trò chi phối tại Tổng công ty là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng (nắm giữ 61% cổ phần).

Kể từ khi trở thành cổ đông chiến lược năm 2014, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng đã bơm hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, khôi phục các tàu nạo vét chuyên dụng vốn nằm đắp chiếu cả chục năm; tái cơ cấu các khoản tài chínhnhưng kết quả kinh doanh rất chậm được cải thiện.

“Tổng công ty đang phải đối diện với thời kỳ thiếu việc làm trầm trọng do nhiều công trình xây dựng cảng biển, nạo vét luồng bị dừng, giãn tiến độ, hoặc phải triển khai cầm chừng”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco lý giải.

Công bằng mà nói, ngay trước khi Vinawaco tiến hành cổ phần hóa, doanh nghiệp này đã từng ngập trong thua lỗ, bết bát kéo dài. Các khoản nợ, lỗ liên tục được “phát lộ” sau khi nhà đầu tư chiến lược tiếp nhận, trong đó có khoản nợ trị giá 53 tỷ đồng từ Vietcombank kéo dài suốt 22 năm.

Được biết, khoản nợ trên được “khai quật” vào tháng 9/2016, sau khi Vinawaco nhận được thông tin có dư nợ xấu tại Vietcombank với số tiền là 12,597 tỷ đồng. Hiện chưa rõ hướng xử lý số tiền này, nhưng thông tin Tổng công ty có dư nợ xấu tại Vietcombank đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, Vinawaco đã thất bại trong việc thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng sau khi không nhận được sự đồng thuận của cổ đông nhà nước (chiếm 36%).

Được biết, theo khoản 5, Điều 4, Thông tư số 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, doanh nghiệp thuộc đối tượng Tổng công ty tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước sau thời điểm Thông tư này có hiệu lực, khi Tổng công ty chưa thực hiện việc tiếp nhận, thì các bộ, UBND cấp tỉnh chỉ đạo người đại diện hoặc cơ quan liên quan xem xét, biểu quyết việc không thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Đây là lý do khiến cổ đông Nhà nước chưa thể đồng thuận, dù đề xuất tăng vốn điều lệ mà HĐQT Vinawaco đưa ra là chính đáng.

“Với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nằm ở các công ty con - 222 tỷ đồng; công nợ phải thu lên tới 520 tỷ đồng… Vinawaco không còn vốn để kinh doanh, theo đuổi các dự án hạ tầng lớn”, ông Ngô Văn Tuấn cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục