Việc bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank bắt đầu khi các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) đã tăng lên gần mức kỷ lục. Sau sự sụp đổ của Credit Suisse, các nhà đầu tư đã tự hỏi liệu một ngày cuối tuần định mệnh khác có ở phía trước hay không.
Mọi thứ trông tồi tệ như thế nào đối với Deutsche Bank?
Bắt đầu với sự so sánh giữa Deutsche Bank và Credit Suisse. Khoảng cách 300 km giữa Frankfurt và Zurich không phải là điều duy nhất khiến hai tổ chức khác biệt. Credit Suisse làm ăn thua lỗ và phải đối mặt với xung đột pháp lý lớn. Tuy nhiên, điều thực sự khiến Credit Suisse trở thành ứng cử viên hàng đầu cho việc bị rút tiền hàng loạt là gần như tất cả các khoản tiền gửi của họ đều không được bảo hiểm.
Ngược lại, sau quá trình tái cơ cấu kéo dài, Deutsche Bank đã có lãi. Khoảng 70% tiền gửi cá nhân của ngân hàng đều được bảo hiểm. Khi kết quả kinh doanh tồi tệ vào năm 2016, vụ bê bối với các cuộc điều tra làm rung chuyển Deutsche Bank và sau đó tiền gửi hầu như không tăng. Nếu gặp khó khăn, Deutsche Bank có rất nhiều tài sản thanh khoản và chất lượng cao mà họ có thể đổi lấy tiền mặt tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Trong khi đó, đối với Credit Suisse, điều này có vẻ khó xảy ra.
Tuy nhiên, có những mối đe dọa khác. Đầu tiên là lãi suất tăng, vốn là nguyên nhân khiến Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ. Tăng lãi suất là tốt cho các ngân hàng trong ngắn hạn vì thu nhập từ lãi tăng. Thực tế, các ngân hàng châu Âu đã công bố lợi nhuận tăng mạnh. Lợi nhuận ròng của Deutsche Bank là 5,7 tỷ euro (6,1 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 65% so với năm trước.
Tuy nhiên, khi chi phí tài trợ tăng lên, tài sản của các ngân hàng, chẳng hạn như trái phiếu dài hạn sẽ mất giá trị. May mắn cho Deutsche Bank là các nhà quản lý châu Âu đã yêu cầu các ngân hàng phòng ngừa rủi ro này. Năm ngoái, ECB đã báo cáo rằng, rủi ro ròng về thời hạn (duration risk) - số tiền mà các ngân hàng bị thiệt hại nếu lãi suất tăng – phải chiếm tỷ trọng thấp trong vốn điều lệ của các ngân hàng địa phương. Theo công ty phân tích Autonomous Research, ngay cả khi rủi ro của Deutsche Bank ở mức cao, nó cũng không gây ra nhiều nguy hiểm.
Một lo lắng khác là ảnh hưởng của SVB đến danh mục đầu tư tại Mỹ của Deutsche Bank. Bất động sản thương mại có thể sẽ bị ảnh hưởng khi những ngân hàng quy mô trung bình thắt chặt các vòi tín dụng. Deutsche Bank sở hữu gần 17 tỷ USD tài sản như vậy và là một trong số các ngân hàng châu Âu tiếp xúc nhiều nhất. Tuy nhiên, danh mục đầu tư bất động sản thương mại của Ngân hàng được đa dạng hóa tốt và chỉ tương đương với 35% vốn chất lượng cao.
Deutsche Bank có thể có một danh sách lớn các công cụ phái sinh, vốn là những công cụ nguy hiểm trên thị trường đầy biến động, nhưng chúng được giao dịch công khai và thường đủ để khiến chúng khó có thể bị định giá sai nghiêm trọng.
Có lẽ nguyên nhân lớn nhất gây lo ngại là chi phí tài trợ của Deutsche Bank có thể tăng lên sau sự sụp đổ của Credit Suisse. Mặc dù Deutsche Bank có nhiều vốn hơn so với yêu cầu của các quy tắc chặt chẽ của châu Âu, nhưng các nhà đầu tư vào trái phiếu AT1, loại trái phiếu bị xóa sổ trong thương vụ UBS tiếp quản Credit Suisse, giờ đây sẽ yêu cầu phí bảo hiểm cao hơn. Trong khi đó, trái phiếu AT1 chiếm tỷ trọng cao hơn trong tài sản có rủi ro của Deutsche Bank so với các ngân hàng khác.
Tuy nhiên, lý do chính của việc bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank có thể liên quan tới việc phản ứng với thông tin một cách thái quá của thị trường và sự không chắc chắn đã tạo ra những phản ứng thái quá đối với những tín hiệu yếu.
Bất chấp những lời trấn an từ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz về sức mạnh tương đối của hệ thống tài chính so với vụ sụp đổ năm 2008, thị trường tài chính vẫn chưa bị thuyết phục.
Khi lo ngại về rủi ro lây lan và sự can thiệp của chính phủ và cơ quan quản lý tiếp tục kéo dài, các nhà đầu tư đang săn lùng mắt xích yếu nhất tiếp theo. Với việc cổ phiếu của Deutsche Bank giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/3) và chi phí bảo hiểm các khoản nợ chống lại tình trạng vỡ nợ tăng lên mức cao nhất trong 4 năm, dòng tiền thông minh hiện đang khiến Deutsche Bank trở thành domino tiếp theo sụp đổ.
Thị trường phi lý và lời tiên tri tự ứng nghiệm
Khi các nhà quan sát cố gắng giải thích động thái này, các nhà phân tích tại Citigroup cho biết, đó có thể là do “thị trường phi lý”. Mặc dù bản thân CDS tăng đã là một mối lo ngại, nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa là nguy cơ các quan điểm tiêu cực vượt khỏi tầm kiểm soát và trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Các nhà phân tích của Citigroup cho biết: “Không có gì đủ quan trọng để giải thích cho động thái này, thay vào đó chúng tôi xem đây là một thị trường phi lý. Đối với Credit Suisse, rủi ro là nếu có tác động dây chuyền từ các tiêu đề truyền thông khác nhau đối với tâm lý người gửi tiền, bất kể lý do ban đầu đằng sau điều này có đúng hay không”.
Mặc dù Deutsche Bank đã phải trải qua một loạt cuộc khủng hoảng trong quá khứ, nhưng một kế hoạch thay đổi lớn đã giúp ngân hàng vượt qua những cuộc khủng hoảng đó. Deutsche Bank có lãi, có vốn và thanh khoản mạnh. Theo Autonomous Research, họ “không lo ngại về khả năng tồn tại hoặc dấu hiệu tài sản của Deutsche Bank”.
Theo Ulrich Urbahn, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược đa tài sản tại Berenberg, trong những ngày gần đây, cộng đồng các quỹ đầu cơ đã tăng cường đặt cược vào việc giá cổ phiếu ngân hàng giảm.
“Các nhà đầu tư đang cố gắng đoán xem ngân hàng nào có thể gặp phải các vấn đề tiếp theo, chẳng hạn như ngân hàng nào đang tiếp xúc rõ rệt với bất động sản thương mại. Vấn đề là nó có thể trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Càng nhiều người nghĩ rằng các ngân hàng có vấn đề, và càng nhiều tiền gửi bị rút ra, thì rủi ro cho các ngân hàng đó càng lớn”, ông cho biết.
Ngay cả khi Deutsche Bank có nhiều thanh khoản để chống chọi với khủng hoảng, thì điều đáng sợ là vấn đề không phải là yếu tố đó. Như thường xảy ra trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng, những lo ngại về Deutsche Bank có thể nhanh chóng trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Trên giấy tờ, lẽ ra Credit Suisse không bao giờ cần phải giải cứu, nhưng cuối cùng, việc đánh mất thị trường và niềm tin của khách hàng đã giết chết ngân hàng.
Là tổ chức tài chính lớn nhất của Đức với tài sản khoảng 1.400 tỷ USD, Deutsche Bank chắc chắn nằm trong danh mục “quan trọng về mặt hệ thống”. Có đầy đủ lý do để nghĩ rằng Deutsche Bank sẽ không phải là Credit Suisse tiếp theo. Ngân hàng thoải mái đáp ứng tất cả các yêu cầu nghiêm ngặt về vốn được áp đặt đối với ngành sau cuộc khủng hoảng tài chính, điều này cho thấy ngân hàng có đủ vốn, thanh khoản và được cấp vốn đầy đủ.
Nhưng điều tương tự cũng có thể nói về Credit Suisse. Các sự kiện gần đây đã chỉ ra rằng, một khi các nhà đầu tư mất niềm tin thì rất khó để lấy lại. Nếu thị trường đã quyết định về kết quả của Deutsche Bank, thì bất kỳ chồi xanh nào cũng có nguy cơ bị đè bẹp dưới một cuộc hỗn chiến.