CitiGroup: Trung Quốc trở thành “bến an toàn” trong khủng hoảng ngân hàng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Những bất ổn tại hệ thống ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đang khiến Trung Quốc trở thành nơi trú ẩn an toàn năm 2023, theo các nhà kinh tế tại CitiGroup.
CitiGroup: Trung Quốc trở thành “bến an toàn” trong khủng hoảng ngân hàng toàn cầu

Lực đỡ từ chính sách

Nếu như năm 2022, tâm lý của giới đầu tư tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp chống dịch ngặt nghèo và chính sách khó đoán định của nhà cầm quyền, thì năm 2023, những yếu tố này đã thay đổi. Trung Quốc chính thức mở cửa sau đại dịch và giới chức quản lý đưa ra các tín hiệu rõ ràng tới các thành viên thị trường.

Trong những tuần qua, hệ thống ngân hàng của Mỹ trải qua nhiều cú sốc, bắt đầu từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB). Tiếp theo đó, châu Âu cũng chứng kiến thương vụ lịch sử khi UBS mua lại Credit Suisse theo phương án khẩn cấp được Ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ hậu thuẫn.

Giới chức quản lý tài chính tại cả Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục tìm biện pháp để ổn định hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh một số ngân hàng địa phương chìm sâu hơn vào khủng hoảng và nhà đầu tư cũng bất bình với các quyết định đưa ra, trong đó có việc 17 tỷ USD trái phiếu AT1 của Credit Suisse bị giảm giá trị về 0, khiến các trái chủ mất trắng.

Trong khi đó, các chiến lược gia tại CitiGroup nhận định, Trung Quốc bước vào chu kỳ chính sách mới với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế rõ ràng hơn. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo kể từ ngày 27/3/2023, các nhà băng sẽ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đây là tỷ lệ tiền mặt mà các ngân hàng phải nắm giữ để đảm bảo an toàn hoạt động.

Kể từ khi đại dịch xuất hiện cho tới nay, Trung Quốc đã duy trì việc nới lỏng chính sách tiền tệ, dù không thực hiện các chương trình hỗ trợ đặc biệt như gửi tiền tới người tiêu dùng.

“Dường như PBOC đã học được các bài học từ thị trường Mỹ trong những năm vừa qua. Cơ quan này đã thực hiện chính sách nới lỏng một cách khôn ngoan và nhiều khả năng nhanh chóng chuyển sang trạng thái “quan sát” khi nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng bình thường sau đại dịch”, báo cáo của Citi cho biết.

Bên cạnh đó, theo Lawrence Lok, giám đốc tài chính tại công ty quản lý tài sản Hywin, môi trường đầu tư tại Trung Quốc đang rất khác biệt so với những gì diễn ra tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác. Hywin đang có hơn 36.700 khách hàng tính tới cuối năm 2022 và quản lý khối tài sản hơn 1 tỷ USD.

“Tôi nhận thấy những nỗ lực rõ nét của chính phủ Trung Quốc trong việc mở rộng thị trường địa phương với các tổ chức tài chính nước ngoài. Có thể nói, môi trường quản lý tại Trung Quốc hiện tại rất tích cực với lĩnh vực tài chính”, Lawrence Lok cho biết.

Đồng nhân dân tệ mạnh hơn

Cùng với việc GDP của Trung Quốc được dự báo tăng trưởng mạnh so với phần còn lại của thế giới trong năm 2023, các nhà kinh tế cho rằng, nhân dân tệ sẽ sớm lên mức 6,6 nhân dân tệ đổi 1 USD vào tháng 9/2023 - mức mạnh nhất kể từ tháng 4/2022.

“Trong bối cảnh thị trường Mỹ và châu Âu biến động khó lường, lãi suất tiếp tục tăng, dòng vốn chảy vào thị trường Trung Quốc sẽ khôi phục khi hoạt động thương mại quay trở lại bình thường và môi trường chính sách tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ổn định”.

Sức mạnh của nhân dân tệ cũng được củng cố khi đồng USD điều chỉnh giảm. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vừa phát biểu việc tăng lãi suất đã gần đi đến kết thúc. Theo đó, USD cũng giảm giá 1,4% kể từ đầu tuần cho tới nay.

Tư Thuần
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục