Định hướng tăng trưởng toàn ngành vẫn là 14%
Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã thực hiện trước thời hạn các quy định về hệ số an toàn vốn (CAR) tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN sẽ được ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.
Một số ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng được giao năm 2019 như tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), đến hết quý II/2019, dư nợ tín dụng tăng 18% so với hạn mức cả năm là 20%. Tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), tăng trưởng tín dụng đạt hơn 9% trong gần 6 tháng đầu năm so với hạn mức tăng trưởng cả năm là 15%...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN chia sẻ, có một số ngân hàng xin nới room tín dụng, nhưng NHNN chưa chấp thuận cho ngân hàng nào, bởi thực tế là các ngân hàng xin nới room vẫn chưa sử dụng hết room.
Quan điểm của NHNN đối với tăng trưởng tín dụng là thận trọng, tiếp tục theo mục tiêu định hướng từ đầu năm. Do đó, việc nới room tín dụng sẽ tiến hành rất thận trọng, đảm bảo các cân đối chung không bị ảnh hưởng.
NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm theo định hướng, những ngân hàng áp dụng chuẩn mực Basel II sẽ được hạn mức tín dụng cao hơn mặt bằng chung. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đối với những ngân hàng không đảm bảo đủ vốn, nợ xấu cao sẽ được nới thêm room và cho vay cao. Ngược lại, đối với các nhà băng đủ vốn, nợ xấu thấp thì mức tăng trưởng tín dụng cũng có thể ở mức tương đương với mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
Ngày 8/1/2019, trên cơ sở bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng, trong đó định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát (dưới 4%), duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra (6,8%).
Trong thời gian tới, để đảm bảo tín dụng tăng trưởng hiệu quả theo mục tiêu đặt ra cũng như hạn chế rủi ro nợ xấu, ông Hùng cho biết, NHNN tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm như điều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Chuẩn bị cho kịch bản không nới room
Theo mùa vụ, tín dụng thường tăng mạnh trong 2 quý cuối năm, nhất là vào quý IV, do cầu vốn của doanh nghiệp tăng trong mùa kinh doanh cao điểm. Số liệu vừa được NHNN công bố cho thấy, tăng trưởng dư nợ toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,33%.
Tỷ lệ này là khá bất ngờ bởi trước đó khoảng 1 tháng, vào ngày 10/6, tốc độ tăng trưởng tín dụng mới chỉ ở mức 5,75%, trong 5 tháng là 5,74% và đến ngày 18/6, Tổng cục Thống kê đưa ra con số tăng trưởng là 6,22%. Vì thế, có những lo ngại rằng, nếu các ngân hàng được nới room tín dụng có thể khiến tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra ở mức 14% cho năm nay là phù hợp. Vì vậy, với một số nhà băng đã hoàn tất áp dụng Basel II, sớm cạn room tín dụng, nếu có xem xét để được nới thêm cũng phải tính toán tương xứng với hệ số an toàn vốn, khả năng cũng sẽ không được nhiều đối với mỗi ngân hàng để không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành cả năm 2019.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2019, không ít ngân hàng đã hoàn tất Basel II kỳ vọng sẽ được nới room tín dụng như OCB, Vietcombank, Ngân hàng Quốc Tế (VIB), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám OCB chia sẻ, nếu không được cấp thêm room, Ngân hàng sẽ nỗ lực thu hồi nợ để có thêm dư địa cho vay mới. Mặt khác, nguồn tín dụng của Ngân hàng cấp hiện nay chủ yếu ngắn hạn, thay vì tập trung vốn cho vay trung, dài hạn nên cũng dễ dàng hơn trong việc quay vòng để cấp tín dụng mới cho khách hàng dịp cao điểm cuối năm.
Lãnh đạo Vietcombank cho hay, Ngân hàng sẽ tính toán cho vay trong hạn mức tăng trưởng 15% cả năm.
Thực tế, các nhà băng có mức tín dụng tăng cao trong 2 quý đầu năm và đã hoàn tất Basel II đều mong muốn được nới thêm room để có dư địa cho vay trong 2 quý cuối năm. Bởi lẽ, đây là giai đoạn kinh doanh vốn tốt nhất của các ngân hàng, đặc biệt trong quý IV, các doanh nghiệp cần nhiều vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa...
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trường hợp room tín dụng khó được nới lên mức cao, các ngân hàng phải sàng lọc khách hàng cho vay, hạn chế những khoản vay rủi ro, dù lãi suất cho vay cao hơn.
Về lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất đang cao hơn cuối năm ngoái, trong đó lãi vay bất động sản, kể cả cá nhân vay mua nhà hiện cao hơn 1 - 2,5%/năm. Dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó giảm trong thời gian tới, nhất là khi NHNN có lộ trình siết tiếp vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 35% như trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN.