Dư địa tăng trưởng thu nhập lãi cận biên (NIM) trở nên hạn chế, cũng như các nguồn thu nhập không thường xuyên không còn dồi dào như trước khiến các ngân hàng phải trông cậy nhiều hơn vào khả năng mở rộng tín dụng.
Tuy vậy, mức tăng trưởng tín dụng hiện nay lại bị hạn chế bởi chỉ tiêu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, vốn đang ở mức thấp hơn so với kỳ vọng của nhiều nhà băng. Vì vậy, việc có được nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng so với mức hiện tại hay không được các ngân hàng đánh giá sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập lãi, cũng như kết quả lợi nhuận cả năm của các ngân hàng.
Báo cáo tài chính quý I/2019 của các ngân hàng cho thấy, tăng trưởng tín dụng thực tế trong quý có sự phân hóa rõ rệt. Theo đó, nhiều nhà băng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm như TPBank đạt 11,3%; OCB 8,6%, MBB riêng lẻ 8,4% và VPBank riêng lẻ 6,9%. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng của VietinBank trong quý I đạt 1,1%, BIDV 3,6%, ACB 2,7% và đặc biệt Techcombank âm 0,3%, dù cho vay khách hàng mở rộng 2,4%.
Nguyên do Techcombank tăng trưởng tín dụng âm là bởi tiếp tục hỗ trợ nhu cầu tín dụng dài hạn của khách hàng doanh nghiệp lớn qua việc tư vấn phát hành 4,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong quý đầu năm, nhờ đó giảm dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn xuống còn 4,4 nghìn tỷ đồng (giảm 8%). Cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng trưởng cao ở mức 52,5% so với cùng kỳ năm trước và dư nợ cho vay mua nhà tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin từ ACB, MBB, TPBank, Techcombank, phần lớn các ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 ở mức 13%; BIDV, VPBank là 12%. Vietcombank có chỉ tiêu cao hơn ở mức 15% do được NHNN công nhận đáp ứng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước thời hạn vào cuối năm 2018. Trong khi đó, ngay từ đầu năm, các nhà băng vẫn đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với chỉ tiêu được giao, như MBB 15%, VPBank 15%, TPBank 20%.
“Những ngân hàng tăng trưởng tín dụng quý I/2019 một cách khiêm tốn sẽ còn nhiều dư địa cho 3 quý cuối năm. Trong khi đó, một số ngân hàng đã sử dụng quá nửa chỉ tiêu được giao ban đầu bởi kỳ vọng được cấp thêm hạn mức tín dụng nhờ đáp ứng yêu cầu của Thông tư 41.
Đây là lý do chung vì sao tại mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhiều ngân hàng vẫn đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với chỉ tiêu được giao”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ.
Quả thực, mức tăng trưởng tín dụng hiện nay bị hạn chế bởi chỉ tiêu do NHNN giao, vốn đang ở mức thấp hơn so với kỳ vọng của nhiều ngân hàng. Thậm chí, NHNN cũng chủ động siết lại hạn mức cho các công ty tài chính tiêu dùng. Cụ thể, hạn mức tăng trưởng cho vay được cấp cho FE Credit năm 2019 chỉ là 10%.
Tương tự, MCredit, vốn là một công ty tài chính tiêu dùng quy mô tương đối nhỏ, chiếm khoảng 6% thị phần và trước đây được tăng trưởng tự do (năm 2018 là gấp khoảng 4 lần dư nợ), cũng bắt đầu bị áp hạn mức tăng trưởng tín dụng tối đa 37% từ năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của MCredit bị suy giảm và chính ngân hàng mẹ MBB phải giảm mục tiêu tỷ trọng lợi nhuận trước thuế của MCredit so với lợi nhuận hợp nhất từ trên 6% xuống còn khoảng 4%.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, không có cơ chế xin - cho tăng trưởng tín dụng và tất cả đều rất minh bạch. Trên cơ sở xếp loại tổ chức tín dụng theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, NHNN sẽ áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, ngân hàng xếp loại A tăng trưởng tín dụng 13%, ngân hàng xếp loại B tăng trưởng tín dụng 10% và ngân hàng xếp loại C tăng trưởng tín dụng 7%.
“Tất cả đều có nguyên tắc được tính toán rõ ràng, không có ngoại lệ, kể cả đối với ngân hàng thực hiện Thông tư 41 cũng chỉ được tăng 1,7 lần so với bình thường”, vị lãnh đạo NHNN thông tin.
Trong tháng 4/2019, có thêm 4 ngân hàng được NHNN phê duyệt tuân thủ Thông tư 41 trước hạn là MBB, ACB, TPBank và VPBank. Theo đó, các ngân hàng này sẽ bắt đầu áp dụng chuẩn mực an toàn vốn mới bắt đầu từ ngày 1/5/2019. Như vậy, đã có 7 ngân hàng được chấp thuận tuân thủ sớm Thông tư 41 nên sẽ xem xét nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã giao thời điểm đầu năm.
Ngoài ra, các ngân hàng còn lại cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục liên quan để được công nhận tuân thủ, với hy vọng được xem xét cấp thêm chỉ tiêu tín dụng. Cụ thể, Techcombank là ngân hàng trong danh sách thí điểm và HDBank không trong danh sách thí điểm đã nộp hồ sơ xin tuân thủ trước hạn từ đầu năm và kỳ vọng sẽ được phê duyệt chính thức vào quý II/2019. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cả hai ngân hàng đều cho biết, nhà băng sẵn sàng đẩy mạnh tín dụng cao hơn nữa nếu được NHNN nới thêm chỉ tiêu.
“Có nguyên tắc rõ ràng cho việc điều chỉnh tăng room và các ngân hàng đều biết. NHNN chỉ điều chỉnh tăng trong một số trường hợp rõ ràng và mức điều chỉnh cũng căn cứ trên các điều kiện cụ thể”, vị lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.