Ngân hàng ngóng nới room tín dụng

Room tín dụng của nhiều nhà băng đã cạn, nên các tổ chức tín dụng đang kỳ vọng nới hạn mức để có thêm dư địa cho vay, đáp ứng cầu vốn tăng mạnh mùa cao điểm lễ, tết cuối năm.
Ngân hàng ngóng nới room tín dụng

Cơ hội đẩy vốn cuối năm

Cuối năm là thời điểm kinh doanh vốn sôi động của ngành ngân hàng, nhất là 2 tháng trước Tết Nguyên đán. Vì thế, các nhà băng đã tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất. 

Cụ thể, Sacombank dành hơn 34 tỷ đồng ưu đãi khách hàng cá nhân dịp Tết. Tại SHB có gói tín dụng 2.500 tỷ đồng, lãi suất từ 8,5%/năm, nếu vay tiêu dùng trên 1 tỷ đồng, lãi suất từ 10%/năm.

VIB cũng tăng hạn mức vay mua xe, với lãi suất từ 7,99%/năm. Trong khi đó, MB giải ngân gói 2.500 tỷ đồng từ nay đến hết năm 2018 dành cho vay mua bất động sản, chung cư, nhà đất; vay mua ô tô và vay phục vụ sản xuất, kinh doanh với lãi suất từ 7%/năm. 

Nếu không ưu đãi lãi suất, các nhà băng thường nới lỏng các điều kiện cho vay. Tại OCB tập trung mạnh vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tạo vòng quay nhanh hơn. Với LienVietPostBank, ngân hàng này đang tính toán 2 phương án: Thứ nhất là chờ tất toán khoản vay cũ thì mới giải ngân khoản vay mới. Thứ hai là cơ cấu lại các khoản vay, chuyển những khoản vay lớn được tất toán sang các khoản vay nhỏ hơn… 

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, họ đang ngóng room tín dụng mới của năm 2019 để đẩy mạnh giải ngân vốn, đáp ứng cầu khách hàng trong dịp cao điểm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, room tín dụng còn lại của năm nay không còn nhiều, vì thế, không chỉ OCB, mà nhiều ngân hàng khác cũng mong được nới room để đẩy mạnh cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Theo Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, với room tín dụng được cấp 16% từ đầu năm, tính đến hết quý III/2018, ngân hàng ông đã sử dụng hết 15%, vì thế, trong quý IV/2018 với 1% tăng trưởng tín dụng còn lại, ngân hàng phải nỗ lực thu hồi nợ xấu mới có dư địa để cho vay và chuyển sang cho vay nhỏ, lẻ. 

Room tín dụng sẽ không mở với tất cả ngân hàng

Với trường hợp của HDBank, do đang trong quá trình hoàn tất sáp nhập PGBank, nên nhà băng này kỳ vọng được nới thêm room tín dụng cuối năm nay. 

Được biết, nhà băng này đã nộp đơn xin phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng lên 22% vào cuối năm nay và vẫn đang chờ phê duyệt. Trong quý III/2018, dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ HDBank chỉ tăng 0,4% so với quý trước vì tăng trưởng tín dụng đã chạm mức trần được giao. 

Trước đó, Techcombank là ngân hàng đầu tiên được NHNN chấp thuận nới room tín dụng từ 14% lên 20%. Với quyết định nới room tín dụng, Techcombank sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm 2018 nên có dưa địa lớn. 

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, họ đang ngóng room tín dụng mới của năm 2019 để đẩy mạnh giải ngân vốn, đáp ứng cầu khách hàng trong dịp cao điểm.

Theo ông Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, cuối năm là thời điểm nhu cầu vốn khách hàng tăng cao, nhất là với DNVVN. Đó là lý do để ngân hàng dành nguồn vốn lớn đáp ứng cầu tăng mạnh vào dịp này. Do vậy, Techcombank đã huy động vốn chủ sở hữu rất cao từ đầu năm, ước chừng 45.000 tỷ đồng và vào cuối năm khoảng 50.000 tỷ đồng. 

Sau khi Techcombank được nới room tín dụng, nhiều ngân hàng khác cũng đã nộp đơn xin thêm chỉ tiêu. Tuy nhiên, room tín dụng sẽ không rộng mở với tất cả các ngân hàng. 

Theo các chuyên gia, chỉ các ngân hàng hoạt động lành mạnh, tỷ lệ nợ xấu thấp, lợi nhuận cao, có mạng lưới mở rộng, có khả năng tài chính, không có sai phạm trong quá khứ, thì mới có cơ hội được NHNN xem xét để nới room tín dụng.

Báo cáo của NHNN gửi Quốc hội mới đây cho thấy, từ đầu năm 2018, Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%. Mục tiêu điều hành của NHNN với tín dụng năm nay là tăng tối đa 17% và hài hòa với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cũng như sức hấp thụ của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, NHNN đã xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tăng trưởng tín dụng trong 3-5 năm tới sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015-2017 (trung bình 18,1%), do cung và cầu tín dụng đều eo hẹp hơn. BVSC cho rằng, cầu tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại do tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm 2018, dự báo ở mức 6,4-6,5% trong năm 2019.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục