Nỗi lo về "chủ nghĩa dân tộc lương thực" gia tăng sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, Malaysia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá lương thực toàn cầu tăng cao đã khiến một số quốc gia châu Á tạm dừng xuất khẩu một số thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng trong nước, làm dấy lên lo ngại về lạm phát vẫn cao hơn giữa các đối tác thương mại của họ.
Nỗi lo về "chủ nghĩa dân tộc lương thực" gia tăng sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, Malaysia

Nhìn rộng hơn, các chuyên gia nhận thấy nguy cơ “chủ nghĩa dân tộc thực phẩm” sắp xảy ra lan rộng ra nhiều quốc gia và sản phẩm hơn và hiện tượng này như một bước lùi khác của toàn cầu hóa.

Có hiệu lực từ ngày 1/6, Ấn Độ chỉ cho phép các doanh nghiệp địa phương xuất khẩu đường khi có sự cho phép đặc biệt của chính phủ. Chính phủ cho biết biện pháp này được đưa ra nhằm "duy trì sự sẵn có trong nước và ổn định giá đường" và sẽ có hiệu lực đến ngày 31/10 hoặc cho đến khi có thông báo mới.

Theo số liệu từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Ấn Độ là nước sản xuất đường mía lớn thứ hai thế giới sau Brazil vào năm 2020 và là nước xuất khẩu đường tinh luyện lớn nhất thế giới trong năm này.

Lệnh cấm xuất khẩu đường theo sau lệnh cấm của Ấn Độ vào giữa tháng 5 đối với xuất khẩu lúa mì, mà Ấn Độ được xếp hạng là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới. Các nhà chức trách đang cố gắng đảm bảo an ninh lương thực trong nước sau khi thời tiết nắng nóng gần đây làm gia tăng lo ngại về năng suất cây trồng.

Tương tự, bắt đầu từ ngày 1/6, Malaysia cũng hạn chế xuất khẩu thịt gà để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước và ổn định giá cả. Theo một tuyên bố từ Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm, lệnh cấm xuất khẩu bao gồm gia cầm sống, toàn bộ thân thịt, thịt ướp lạnh và đông lạnh, các bộ phận của gà và các sản phẩm làm từ gà. Malaysia cũng chưa đặt ngày để nối lại xuất khẩu.

Động thái của Ấn Độ và Malaysia diễn ra khi lạm phát lương thực toàn cầu tăng nhanh. Chỉ số giá thực phẩm của FAO bao gồm thịt, sữa, ngũ cốc, dầu thực vật và đường đã đạt 158,5 vào tháng 4, tăng 30% so với một năm trước đó. Sự gia tăng phần lớn được cho là do gián đoạn nguồn cung và hậu cần do căng thẳng Ukraine và đại dịch Covid-19 gây ra.

Indonesia trước đó cũng đã ngừng xuất khẩu dầu cọ vào tháng 4, mặc dù nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 5.

Priyanka Kishore, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics cho biết: “Về tổng thể, tôi có thể nói rằng các lệnh cấm xuất khẩu sẽ làm tăng thêm áp lực lên giá lương thực”.

Đối với các quốc gia đang phát triển và các hộ gia đình có thu nhập thấp, xu hướng tăng giá thực phẩm đặc biệt đáng lo ngại.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda cảnh báo: “Sự khan hiếm lương thực hoặc một mức giá không thể đạt được, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo sẽ khiến lạm phát tăng và gây ra bất ổn xã hội nhanh hơn nhiều so với giá dầu tăng. Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều chủ nghĩa dân tộc về lương thực hơn trong năm nay”.

Nga và Ukraine đều là nhà cung cấp ngũ cốc lớn, nhưng cả trước khi xung đột giữa hai nước này diễn ra thì chủ nghĩa dân tộc lương thực đã nóng lên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19.

Cuộc khủng hoảng Covid đã kích hoạt chủ nghĩa bảo hộ không chỉ đối với thực phẩm mà còn cả những mặt hàng thiết yếu khác. Một số quốc gia ưu tiên đảm bảo vắc xin Covid-19 cho người dân của họ, dẫn đến khoảng cách lớn về tỷ lệ tiêm chủng và khiến người dân ở các nền kinh tế nghèo hơn dễ bị tổn thương.

Akio Shibata, chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản cho rằng chuỗi cung ứng thực phẩm trước đây đã được toàn cầu hóa, giống như nhiều lĩnh vực khác sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới ra đời vào những năm 1990. Mô hình cơ bản là sản xuất thực phẩm ở các quốc gia có chi phí thấp và vận chuyển với giá rẻ đến các quốc gia tiêu thụ.

Nhưng xu hướng đó đã bị đảo ngược trong những năm gần đây do nhiều yếu tố, bao gồm tiêu dùng gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, biến đổi khí hậu và những gián đoạn gần đây, tất cả đều đẩy giá lên.

“Khi giá cả tăng lên, theo bản chất của thực phẩm, các quốc gia thay đổi lập trường của mình để ưu tiên bảo hộ nội địa và cung cấp trong nước, sau đó sẽ xuất khẩu nếu dư thừa công suất. Trước đây, người ta nghĩ rằng chúng ta càng toàn cầu hóa và cam kết với thị trường quốc tế, thì chúng ta càng có thể đóng góp nhiều hơn vào an ninh lương thực. Nhưng điều này đang thay đổi”, ông Shibata cho biết.

Trong tương lai, ông cảnh báo rằng miễn là giá tiếp tục tăng, các biện pháp bảo hộ có thể sẽ lan rộng trên nhiều quốc gia và chủng loại thực phẩm hơn.

"Nếu giá cả tăng cao, một số quốc gia có thể tăng sản lượng và thị trường có thể điều chỉnh. Nhưng khi các điều kiện thời tiết bất thường ngày càng gia tăng trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến các loại cây trồng chính như gạo, lúa mì, ngô và đậu nành ở các nước sản xuất chủ chốt thì không thể tin được rằng tình hình sẽ sớm lắng xuống", ông cho biết.

Ông cũng cảnh báo rằng các lệnh cấm xuất khẩu của các nhà sản xuất lớn với kho dự trữ khổng lồ, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc có thể trở thành vũ khí trong một cuộc chiến địa chính trị rộng lớn hơn.

“Nếu các nước sản xuất lương thực lớn chuyển từ xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa, thì sẽ có một cuộc khủng hoảng lương thực ở một số nước. Nếu chúng ta phân loại các quốc gia như vậy thành các quốc gia thân thiện hoặc thù địch và nói rằng sẽ chỉ cung cấp viện trợ cho các quốc gia thân thiện, thì thực phẩm sẽ được sử dụng như một vũ khí”, ông cho biết thêm.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục