Nỗi lo dịch bệnh quay lại, giới đầu tư chạy đua thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến phố Wall có đợt bán tháo trên diện rộng phiên ngày thứ Hai (19/7).
Nỗi lo dịch bệnh quay lại, giới đầu tư chạy đua thoát hàng

Biến thể Covid-19 Delta với khả năng lây lan chóng mặt hiện đang là mối đe doạ trên toàn cầu khi đã lan đến hơn 100 quốc gia. Từ các nước đang phát triển, có tốc độ tiêm chủng chậm, không tự chủ được vaccine, đến cả những khu vực tưởng như đã dần trở lại nhịp sống cũ, nhờ vào tốc độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và các nước châu Âu, đều đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh lan rộng do biến thể Delta.

Tại Mỹ, bất chấp việc trên 50% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, tuần trước trung bình mỗi ngày có thêm 26.000 ca nhiễm mới, CDC cho biết. Theo thống kê hôm 14/7, số bệnh nhân mắc biến thể Delta chiếm gần 60% số ca nhiễm mới. Đặc biệt, số ca mắc tăng vọt tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng dưới mức trung bình như Arkansas, Florida, Louisiana, Missouri và Nevada.

Thị trường tỏ ra vô cùng lo lắng trong phiên đêm qua. Chỉ số VIX, thước đo “mức độ sợ hãi”, đã tăng 4,1 điểm lên mức 22,50, mức đóng cửa cao nhất trong hai tháng.

Tất cả 11 ngành chính trong S&P 500 đều đóng cửa chìm sâu trong vùng tiêu cực. Cổ phiếu năng lượng, bị đè nặng bởi việc giá dầu lao dốc, giảm 3,6%, chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3.

Mặt khác, mùa báo cáo thu nhập quý II vẫn đang diễn ra với 41 công ty trong S&P 500 đã báo cáo. Trong số đó, 90% có kết quả vượt dự báo, theo Refinitiv.

Tuần này, Netflix, Twitter, Johnson & Johnson, United Airlines và Intel, cùng với một loạt các công ty công nghiệp từ Honeywell đến Harley-Davidson sẽ được công bố báo cáo.

Kết thúc phiên 19/7, chỉ số Dow Jones giảm 725,81 điểm (-2,09%), xuống 33.962,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 68,67 điểm (-1,59%), xuống 4.258,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 152,25 điểm (-1,06%), xuống 14.274,98 điểm.

Chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, chứng kiến phiên tồi tệ nhất trong vòng chín tháng qua do lo ngại biến thể Delta lây lan nhanh làm chậm sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 19/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 163,70 điểm (-2,34%), xuống 6.844,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 407,11 điểm (-2,i62%), xuống 15.133,20. Chỉ số CAC 40 tại giảm 164,11 điểm (-2,54%), xuống 6.295,97 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh do những lo lắng về mức độ lây lan của biến thể Delta trước thềm Thế vận hội Tokyo 2020.

Chứng khoán Trung Quốc đi ngang khi đà giảm của cổ phiếu công nghệ được bù đắp bởi chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại về động thái mới nhất của chính quyền Trung Quốc đối với nhiều gã khổng lồ công nghệ.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do nhóm cổ phiếu công nghệ kéo lùi, bên cạnh áp lực lạm phát ngày càng tăng và lo ngại về sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới Covid-19.

Kết thúc phiên 16/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 350,34 điểm (-1,25%), xuống 27.652,74 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,18 điểm (-0,00%), xuống 3.539,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 514,90 điểm (-1,84%), xuống 27.489,78 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 32,87 điểm (-1,00%), xuống 3.244,04 điểm.

Giá vàng phiên đầu tuần đóng cửa tăng nhẹ sau một phiên biến động mạnh trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh, lãi suất trái phiếu Mỹ và chứng khoán suy yếu.

Kết thúc phiên 19/7, giá vàng giao ngay tăng 0,4 USD (+0,02%), lên 1.812,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 5,80 USD (-0,32%), xuống 1.809,20 USD/ounce.

Giá dầu trượt dốc trong phiên ngày thứ Hai, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3 sau khi thỏa thuận OPEC+ nhằm tăng sản lượng làm dấy lên lo ngại về dư cung trong khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đang đe doạ nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Hiện vẫn chưa rõ biến thể Delta sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu như thế nào. Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới, nhu cầu nhiên liệu tăng đều đặn trong những tuần gần đây, nhưng Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, đã cắt giảm nhập khẩu do cung vượt cầu và lo ngại nhu cầu giảm.

Trước đó, OPEC+ hôm Chủ nhật (18/7) đã đạt được thoả thuận tăng nguồn cung dầu 400.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 8. Đến cuối năm, nguồn cung của thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2%. OPEC+ cung cấp khoảng 40% nguồn dầu thô của thế giới.

Kết thúc phiên 19/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 4\\5,39 USD (-7,5%), xuống 66,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 4,97 USD (-6,8%), xuống 68,62 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục