Nỗi lo chiến tranh thương mại trở lại với giới đầu tư

(ĐTCK) Chuỗi tăng điểm ấn tượng của chứng khoán đã bị chặn lại trong phiên thứ Năm do nỗi lo chiến tranh thương mại trở lại với giới đầu tư. Lần này không phải đến từ 2 bờ Thái Bình Dương, mà là 2 bờ Đại Tây Dương.
Nỗi lo chiến tranh thương mại trở lại với giới đầu tư

Sau chuỗi tăng điểm ấn tượng trong đó Dow Jones có 5 phiên tăng liên tiếp và S&P 500 xác lập đỉnh cao 5 tháng nhờ kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp được công bố trước đó, phố Wall đã đồng loạt quay đầu điều chỉnh trong phiên thứ Năm sau khi một số doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh thất vọng và giới đầu tư lo ngại Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa việc Mỹ áp thuế với xe ô tô của EU.

Cụ thể, trong phiên thứ Năm cổ phiếu của eBay giảm tới 10,1% sau báo cáo lợi nhuận thất vọng, cổ phiếu của American Express cũng mất 2,7% khi công ty thẻ tín dụng này báo cáo chi phí tăng.

Kết thúc phiên 19/7, chỉ số Dow Jones giảm 134,79 điểm (-0,53%), xuống 25.064,50 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,13 điểm (-0,40%), xuống 2.804,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 29,15 điểm (-0,37%), xuống 7.825,30 điểm.

Tương tự, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố gây thất vọng cũng khiến chứng khoán châu Âu đảo chiều giảm điểm trong phiên thứ Năm. Trong đó, cổ phiếu của Publicis giảm 8,8% khi công ty truyền thông của Pháp báo cáo doanh thu quý II bất ngờ giảm, kéo các cổ phiếu truyền thông trên thị trường chứng khoán châu Âu giảm theo.

Ngoài ra, việc giá kim loại giảm mạnh cũng gây tác động tiêu cực lên cổ phiếu của các công ty sản xuất nguyên liệu cơ bản và khai mỏ.

Kết thúc phiên 19/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7,69 điểm (+0,10%), lên 7.683,97 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 79,65 điểm (-0,62%), xuống 12.686,29 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 30,36 điểm (-0,56%), xuống 5.417,07 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, áp lực chốt lời khiến chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm vào cuối phiên, qua đó chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tiếp tục giảm điểm do đồng nhân dân tệ giảm mạnh xuống mức thấp nhât 1 năm so với đồng USD kìm hãm lực mua của nhà đầu tư, cũng ảnh hưởng tiêu cực lên cổ phiếu của các doanh nghiệp vay ngoại tệ nhiều như các hãng hàng không. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp.

Kết thúc phiên 19/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 29,51 điểm (-0,13%), xuống 22.764,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 106,56 điểm (-0,38%), xuống 28.010,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,71 điểm (-0,53%), xuống 2.772,55 điểm.

Đồng USD lên mức cao nhất 12 tháng tiếp tục gây áp lực lên giá vàng trong phiên thứ Năm, đẩy giá kim loại quý này tiếp tục giảm, có lúc đã xuống gần mốc 1.210 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng đã hồi phục tốt trở lại và chỉ còn mức giảm nhẹ khi chốt phiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Fed và cho biết, ông “không vui mừng” với việc tăng lãi suất gần đây của Fed. Ông Trump cho biết, thành quả kinh tế của chính quyền ông có thể “đổ sông, đổ bể” do tác động của tỷ giá từ việc Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông Trump vẫn gọi Chủ tịch Fed Jerome Powell là người đàn ông tốt cho công việc.

Kết thúc phiên 19/7, giá vàng giao ngay giảm 4,8 USD (-0,39%), xuống 1.222,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 3,9 USD (-0,32%), xuống 1.224,0 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô trái chiều trong phiên thứ Năm. Trong khi giá dầu thô Mỹ tiếp tục tăng, thậm chí mạnh hơn phiên trước đó do nhu cầu dầu thô của các nhà máy lọc dầu tăng, thì giá dầu thô Brent lại đảo chiều giảm do lo ngại nguồn cung gia tăng.

Kết thúc phiên 19/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,70 USD (+1,01%), lên 69,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,32 USD (-0,44%), xuống 72,58 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục