Sau khi gây thất vọng với 3 đại gia đầu tiên công bố kết quả kinh doanh cuối tuần trước (PMorgan Chase, Citigroup và Well Fargo), nhóm cổ phiếu tài chính đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi các ngân hàng tiếp theo công bố kết quả kinh doanh khả quan, đem lại kỳ vọng về mùa công bố kết quả kinh doanh tích cực của nhóm ngành này.
Cụ thể, cổ phiếu Bank of America tăng 4,3% sau khi lợi nhuận quý II vừa công bố cao hơn kỳ vọng, cổ phiếu của Goldman Sachs cũng tăng 2,2% sau kết quả kinh doanh khả qua.
Về thông kinh tế, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố cuối tuần qua, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng mạnh 0,5% trong tháng 6 cho thấy, chi tiêu tiêu dùng tăng nhanh trong quý II. Thông tin này cũng giúp nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng 0,3% trong phiên đầu tuần mới.
Dù có sự trở lại của nhóm ngân hàng và đà tăng của nhóm cổ phiếu bán lẻ, nhưng các chỉ số chính của phố Wall chỉ giao dịch giằng co quanh tham chiếu do tác động ngược lại của nhóm cổ phiếu năng lượng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giá dầu thô lao dốc mạnh, đẩy nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh theo với chỉ số S&P năng lượng giảm 1,2%, gây sức ép lên thị trường. Chốt phiên, trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm nhẹ, thì Dow Jones lại có được sắc xanh nhạt.
Kết thúc phiên 16/7, chỉ số Dow Jones tăng 44,95 điểm (+0,18%), lên 25.064,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,88 điểm (-0,10%), xuống 2.798,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 20,26 điểm (-0,26%), xuống 7.805,72 điểm.
Giá dầu thô lao dốc cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán châu Âu, khiến các chỉ số chính trên thị trường quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần mới, ngoại trừ chứng khoán Đức có được sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu ngân hàng với sự dẫn dắt của cổ phiếu Deutsche Bank khi cổ phiếu này tăng 7,3% lên mức cao nhất trong 6 tuần sau khi ngân hàng cho vay Đức báo cáo kết quả kinh doanh quý II tốt hơn dự kiến.
Kết thúc phiên 16/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 61,42 điểm (-0,80%), xuống 7.600,45 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 20,29 điểm (+0,16%), lên 12.561,02 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 19,77 điểm (-0,36%), xuống 5.409,43 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ, thì chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh giảm trong phiên đầu tuần mới sau dữ liệu kinh tế kém tích cực.
Theo đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II là 6,7%, so với mức 6,8% trong quý I, do Bắc Kinh tập trung xử lý rủi ro tín dụng trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.
Bên cạnh đó, tăng trưởng sản lượng công nghiệp tháng 6 xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua là dấu hiệu đáng lo ngại cho đầu tư và xuất khẩu.
Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới chứng Hồng Kông khi chỉ số Hang Seng chủ yếu lình xình dưới tham chiếu và chỉ may mắn mới có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 16/7, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 14,22 điểm (+0,05%), lên 28.539,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 17,14 điểm (-0,61%), xuống 2.814,04 điểm..
Trên thị trường vàng, sau khi giao dịch nỗi lực hồi phục trong phiên châu Á và châu Âu, giá vàng đã quay đầu đi xuống trong phiên Mỹ do ảnh hưởng từ giá dầu thô lao dốc. Chốt phiên giao dịch đầu tuần mới, giá vàng đóng cửa gần như không đổi, nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận phiên giảm giá và đứng ở mức gần thấp nhất 12 tháng.
Kết thúc phiên 16/7, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD (-0,06%), xuống 1.240,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,5 USD (-0,12%), xuống 1.239,7 USD/ounce.
Sau khi tăng nhẹ trong phiên cuối tuần trước, giá dầu thô đã đồng loạt lao dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi các cảng xuất khẩu dầu của Lybia được mở trở lại, trong khi dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng Nga sẽ tăng sản lượng.
Kết thúc phiên 16/7, giá dầu thô Mỹ giảm 2,95 USD (-4,33%), xuống 68,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,49 USD (-4,86%), xuống 71,84 USD/thùng.