Giới đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II

(ĐTCK) Dù kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng đầu tiên gây thất vọng, nhưng giới đầu tư vẫn đặt cược vào kết quả kinh doanh của các ngành, nghề khác, giúp chứng khoán duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần qua.
Giới đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II

Không như kỳ vọng trước đó, kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng lớn đầu tiên bắt đầu cho mùa công bố kết quả kinh doanh quý II lại gây thất vọng.

Cụ thể, cổ phiếu Citigroup Inc giảm 2,2%, nhiều nhất trong số các tài chính, sau khi công bố doanh thu thấp hơn dự báo bảo lãnh phát hành nợ thấp hơn. Wells Fargo & Co giảm 1,2% sau khi lợi nhuận thấp hơn dự kiến do cho vay chậm lại và chi phí tăng. Cổ phiếu của JPMorgan Chase & Co cũng giảm 0,5% dù lợi nhuận của ngân hàng này đúng như dự báo.

Kết quả thất vọng từ 3 ngân hàng trên đã khiến nhóm cổ phiếu tài chính giảm 0,5%, tác động tiêu cực lên phố Wall trong phiên cuối tuần qua.

Tuy nhiên, các chỉ số chính của phố Wall vẫn giữ được sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghiệp và một số nhóm cổ phiếu khác khi nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào kết quả kinh doanh lạc quan của nhóm này.

Giới đầu tư cũng đang giảm bớt lo dần về căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Mỹ và Trung Quốc có thể mở lại các cuộc đàm phán thương mại nếu Bắc Kinh sẵn sàng thay đổi đáng kể.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Dow Jones tăng 94,52 điểm (+0,38%), lên 25.019,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,02 điểm (+0,11%), lên 2.801,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,06 điểm (+0,03%), lên 7.825,98 điểm.

Dù hạ nhiệt trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng điểm tích cực khi giới đầu tư bỏ qua nỗi lo chiến tranh thương mại để hướng tới kết quả kinh doanh quý II được dự báo đầu triển vọng. Cụ thể, trong tuẩn, chỉ số Dow Jones tăng 2,30%, chỉ số S&P 500 tăng 1,50% và Nasdaq tăng 1,79%.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần qua khi giới đầu tư kỳ vọng vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2018 tích cực.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,54 điểm (+0,14%), lên 7.661,87 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 47,76 điểm (+0,38%), lên 12.540,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,31 điểm (+0,43%), lên 5.429,20 điểm.

Nhờ kỳ vọng lạc quan vào kết quả kinh doanh quý II, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt tăng điểm trong tuần qua, sau khi trái chiều trong tuần trước. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 hồi phục 0,58% sau 2 tuần giảm liên tiếp, trong khi chứng khoán Đức và Pháp có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 0,36% và 0,99%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng mạnh lên mức cao nhất 3 tuần nhờ đồng yên giảm giá, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông hạ nhiệt do áp lực chốt lời sớm, trong đó chứng khoán Hồng Kông đóng cửa chỉ với sắc xanh nhạt, còn chứng khoán Trung Quốc đại lục đảo chiều giảm nhẹ trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 409,39 điểm (+1,85%), lên 22.597,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 44,61 điểm (+0,16%), lên 28.525,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,48 điểm (-0,23%), xuống 2.831,18 điểm.

Trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 hồi phục mạnh 3,71% sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó. Chứng khoán Hồng Kông cũng chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp để có mức tăng nhẹ 0,74% trong tuần qua. Còn chứng khoán Trung Quốc đại lục dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng với đà tăng mạnh trước đó, cũng đã có tuần tăng mạnh 3,06%, chấm dứt 7 tuần giảm liên tiếp.

Trong khi chứng khoán duy trì đà tăng, thì giá vàng lại trả lại hết những gì đã có được trong phiên thứ Năm khi quay đầu giảm trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 13/7, giá vàng giao ngay giảm 5,9 USD (-0,47%), xuống 1.241,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 5,4 USD (-0,43%), xuống 1.241,2 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,08% và giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 1,17%. Như vậy sau khi hồi phục trong tuần trước, chấm dứt 3 tuần giảm liên tiếp trước đó, giá vàng đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh trong tuần qua.

Sau khi có cái nhìn tích cực trong tuần trước nhưng diễn biến giá vàng lại theo chiều ngược lại, giới phân tích đã có cái nhìn tiêu cực hơn về xu hướng giá vàng trong tuần này, tron gkhi giới đầu tư dù thận trọng hơn, nhưng đa số vẫn dự báo giá vàng sẽ tăng.

Cụ thể, trong 19 chuyên gia trả lời tuần này, có 4 người, chiếm 21% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn rất nhiều so với mức 69% của tuần trước, trong khi có tới 12 người, tương đương 63% dự báo sẽ giá vàng sẽ giảm, cao hơn nhiều so với con số 19% của tuần trước và 3 người, chiếm 16% dự báo giá sẽ đi ngang.

Trong khi đó, trong 642 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 280 người, chiếm 44% dự báo giá vàng sẽ tăng, thấp hơn so với mức 56% của tuần trước; 263 lượt người, chiếm 41% dự báo giảm, cao hơn so với mức 29% của tuần trước và 99 lượt người, chiếm 15% có quan điểm trung tính.

Giá dầu thô lại tăng khá mạnh trong phiên cuối tuần do ảnh hưởng từ những vụ đình công ở một giàn khoan tại Na Uy và Iraq, ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.

Kết thúc phiên 13/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,68 USD (+0,96%), lên 71,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,88 USD (+1,17%), lên 75,33 USD/thùng.

Dù hồi phục tốt trong 2 phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô không tránh khỏi tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Trong đó, giá dầu thô Mỹ giảm 3,78% và giá dầu thô Brent giảm 2,31%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục