Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài tới năm 2035 và có thể trở thành một cuộc chiến tranh lạnh thương mại do 2 nền kinh tế vẫn còn nhiều bất đồng.
Cụ thể, Zhang Yansheng - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc cho biết, cuộc đàm phán bế tắc vì Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi ngay lập tức về cán cân thương mại, cải tổ cấu trúc và sửa đổi pháp lý. Không cái nào có thể thực hiện trong ngắn hạn.
Zhang cho rằng, hệ thống giám sát thực thi mà Mỹ yêu cầu nằm ngoài khả năng của Trung Quốc. Các đòi hỏi về thay đổi luật pháp là "quá cao" và Trung Quốc cần thời gian để nâng cao năng lực Trước đó, Bắc Kinh cũng cho rằng, Washington làm tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu và Trung Quốc sẽ "áp dụng biện pháp cần thiết" để bảo vệ doanh nghiệp của mình.
Nỗi lo cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ kéo sụt tăng trưởng toàn cầu đã dần được thể hiện trên thực tế. Cụ thể, theo số liệu vừa công bố của HIS Markit, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ đã giảm xuống mức 50,6 vào tháng 5 từ mức 52,6 của tháng 4, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009. Dù vậy, chỉ số trên 50 cho thấy, vẫn có sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất, chiếm khoảng 12% nền kinh tế Mỹ.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy đơn đặt hàng mới nhận được của các nhà máy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2009.
Những thông tin tiêu cực trên đã tác động xấu tới tâm lý nhà đầu tư, nên đã kích hoạt lệnh bán tháo trên phố Wall trong phiên thứ Năm, kéo các chỉ số lao dốc.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc mạnh theo giá dầu cũng tác động xấu tới thị trường chung.
Kết thúc phiên 23/5, chỉ số Dow Jones giảm 286,14 điểm (-1,11%), xuống 25.490,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 34,03 điểm (-1,19%), xuống 2.822,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 122,56 điểm (-1,58%), xuống 7.628,28 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng lao dốc mạnh trong phiên thứ Năm khi nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang và dữ liệu kinh tế yếu kém.
Cụ thể, theo ISH Markit, tăng trưởng kinh doanh khu vực đồng Euro thấp hơn dự kiến trong tháng 5 khi niềm tin trong lĩnh vực dịch vụ trở nên tồi tệ. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Anh từ chức để phản đối thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May khiến “vụ ly hôn” giữa Anh và EU càng trở nên phức tạp.
Kết thúc phiên 23/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 103,15 điểm (-1,41%), xuống 7.231,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 216,33 điểm (-1,78%), xuống 11.952,41 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 97,60 điểm (-1,81%), xuống 5.281,37 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên tối trước đó đã kích hoạt lệnh bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường châu Á trong phiên thứ Năm, kéo các chỉ số đồng loạt giảm điểm, trong đó chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giảm mạnh.
Kết thúc phiên 23/5, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 132,23 điểm (-0,62%), xuống 21.151,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 39,19 điểm (-1,36%), xuống 2.852,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 438,81 điểm (-1,58%), xuống 27.267,13 điểm.
Trên thị trường vàng, việc chứng khoán bị bán tháo đã giúp vai trò trú ẩn an toàn của vàng lên cao, đẩy giá kim loại quý này tăng vọt trong phiên thứ Năm ngay khi bước vào phiên Mỹ, dù trước đó giao dịch lình xình trong phiên châu Á và châu Âu.
Kết thúc phiên 23/5, giá vàng giao ngay tăng 10 USD (+0,79%), lên 1.282,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 11,2 USD (+0,88%), xuống 1.285,4 USD/ounce.
Căng thẳng thương mại leo thang khiến lo ngại Mỹ - Trung sẽ bước vào cuộc chiến tranh lạnh thương mại, kéo lùi tăng trưởng kinh tế thế giới cũng khiến giá dầu thô lao dốc trong phiên thứ Năm. Đây là phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp của giá dầu thô. Ngoài ra, dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy, kho dự trữ dầu thô của nước này tăng trong tuần trước, đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2017 cũng tác động tiêu cực lên giá dầu.
Kết thúc phiên 23/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ giảm 3,51 USD (-5,7%), xuống 57,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,23 USD (-4,6%), xuống 67,76 USD/thùng.