Lực đẩy giá dầu
Có 2 sự kiện quan trọng bậc nhất tác động tới giá dầu trong tuần vừa qua, đẩy giá dầu lên mức cao nhất nhiều tháng trong tuần này, đó là căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, cùng với việc OPEC quyết định duy trì cắt giảm sản lượng cho tới hết năm 2019. Giá dầu thô Brent hiện giao dịch ở mức 72,55 USD/thùng, trong khi dầu WTI ở mức 63 USD/thùng.
Trong phiên họp gần đây, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê út Khalid al-Falih cho biết, OPEC và một số đồng minh đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ và duy trì động thái này cho tới hết năm 2019.
“Giá dầu đã tăng khoảng 40% kể từ đầu năm tới nay, đa phần nhờ nỗ lực hạn chế gia tăng sản lượng của OPEC. Do đó, giới đầu tư bắt đầu lo lắng về việc các nhà xuất khẩu dầu mỏ sẽ gỡ bỏ các quy định về sản lượng trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6, khiến tình trạng dư cung quay trở lại. Tuy nhiên, động thái mới nhất từ OPEC đã phần nào xoa dịu nỗi lo”, Jasper Lawler, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại London Capital Group cho biết.
Một trợ lực lớn khác cho đà tăng của giá dầu là việc căng thẳng tại khu vực Trung Đông gia tăng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng lời đe dọa Tehran trên Twitter sau khi Mỹ cho rằng Iran đã đặt tên lửa lên các tàu thuyền ở vùng Vịnh và làm hư hại 4 tàu chở dầu ngoài khơi Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
“Nếu Iran muốn một trận chiến, đó sẽ là kết thúc đối với Iran. Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa”, ông Trump cho biết.
Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã áp dụng các lệnh cấm vận lên hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, khiến một phần nguồn cung ra thị trường bị hạn chế. Chưa kể, các lệnh cấm vận này cũng ảnh hưởng tới thị trường quốc tế, đồng thời gia tăng chi phí vận chuyển dầu khi Iran nắm giữ con đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng bậc nhất.
Bank of America Merrill Lynch nhận định, mặc dù giá dầu thô đã nhanh chóng tăng lên trên 72 USD/thùng khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, nhưng thực tế, thị trường vẫn đang đánh giá thấp rủi ro xuất phát từ Iran. Trong bối cảnh địa chính trị tại Trung Đông ngày càng phức tạp, việc Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) chuẩn bị áp dụng quy định Sulphur 2020 về giảm thiểu khí thải ô xít lưu huỳnh khiến chi phí vận tải biển tăng mạnh có thể đẩy giá dầu lên mức 90 USD/thùng.
Áp lực đi xuống
Cùng lúc với những lực đẩy trên thị trường, giá dầu chịu áp lực đi xuống từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thực tế, nhu cầu tiêu thụ dầu đã chậm lại từ trước khi Mỹ quyết định áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tuy nhiên, đây vẫn là đòn mới nhất khiến lo ngại về nhu cầu nhiên liệu đi xuống gia tăng.
“Tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu đã chậm lại trong những tháng gần đây. Cụ thể, nhu cầu chỉ gia tăng khoảng 680.000 thùng/ngày trong 2 quý qua, so với mức trung bình 1,46 triệu thùng/ngày trong 5 năm qua”, Bank of America Merrill Lynch cho biết. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp yếu hơn tại Mỹ, Trung Quốc và Đức cũng khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm nhẹ.
Chưa kể, cuộc chiến tranh thương mại sẽ khiến tình hình sản xuất, tiêu dùng xuống dốc, vốn không phải tin tốt đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu.