Báo cáo của một ngân hàng đầu tư Mỹ đã chỉ ra rằng mức phí giao dịch trung bình của các quỹ mô phỏng chỉ số (ETF) của các công ty quản lý tài sản lớn như Vanguard và BlackRock của Mỹ đã giảm khoảng 40% trong vòng 8 năm qua.
Báo cáo cho biết thị trường ETF toàn cầu có giá trị 5.600 tỷ USD đang chịu một sức ép cạnh tranh lớn khi xuất hiện hàng loạt quỹ có mức phí quản lý bằng 0 hoặc thậm chí là âm trong năm qua. Các quỹ ETF đã được các nhà đầu tư đặc biệt ưa chuộng trong những năm gần đây. Đây là các quỹ dựa trên các rổ chứng khoán mô phỏng các chỉ số chứng khoán, những rổ này có thể bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa hoặc hỗn hợp các loại chứng khoán.
Marko Kolanovic và Bram Kaplan, hai chiến lược gia về sản phẩm phái sinh và phân tích định lượng toàn cầu thuộc ngân hàng đầu tư J.P. Morgan, cho rằng: Xu hướng giảm phí giao dịch diễn ra là nhằm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư hướng tới các quỹ đầu tư và lớp tài sản có mức phí giao dịch thấp, cũng như động thái của những tổ chức phát hành chứng chỉ quỹ ETF trong việc giảm thiểu chi phí cho nhà đầu tư tại một số quỹ xác định.
Trong 5 năm qua có tới 80% dòng tiền đầu tư tại Mỹ chảy vào 20% số quỹ ETF có tỷ lệ chi phí giao dịch thấp nhất, trong khi 80% số quỹ còn lại chỉ nhận được 20% dòng vốn này do nhà đầu tư đổ dồn về các quỹ có chi phí giao dịch thấp nhất.
Báo cáo của J.P Morgan chỉ ra rằng, tỷ lệ chênh lệch về dòng vốn nói trên đang ngày càng gia tăng. Trong số 300 tỷ USD vốn mới đầu tư vào các quỹ ETF tại Mỹ năm ngoái thì 20% số quỹ có mức phí giao dịch thấp nhất thu hút được 97% giá trị, trong khi những quỹ đầu tư có mức phí giao dịch cao nhất hầu như không thu hút được vốn đầu tư mới.
Chỉ tính riêng trong năm nay thì Vanguard là công ty quản lý tài sản được hưởng lợi nhiều nhất. Công ty này đã cắt giảm phí giao dịch tại 21 quỹ ETF lớn nhất của họ. Những quỹ này có tổng tài sản lên tới 660 tỷ USD. Theo tính toán của J.P Morgan, việc giảm phí giao dịch của Vanguard đã giúp nhà đầu tư tiết kiệm được khoảng 88 triệu USD chi phí giao dịch mỗi năm.
Đối thủ cạnh tranh của Vanguard là Fidelity là người đầu tiên giới thiệu ra thị trường loại quỹ có mức phí quản lý bằng 0. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2018 Fidelity đã cho ra đời 4 quỹ đầu tư tương hỗ loại này. Động thái này của Fidelity là nhằm để cạnh tranh với những công ty quản lý tài sản mới ra nhập thị trường - những người đưa ra mức phí quản lý bằng 0 để thu hút nhà đầu tư.
Startup Salt Financial gần đây đã đưa ra thị trường một quỹ ETF có mức phí quản lý âm, đồng nghĩa với việc công ty không những không thu phí mà còn trả tiền cho những nhà đầu tư ở lại lâu dài với quỹ. Mức phí -5 điểm cơ sở này được áp dụng cho 100 triệu USD tài sản đầu tiên và chỉ được áp dụng tới tháng 4/2020. Sau thời hạn này mức phí quay trở lại mức +29 điểm cơ sở.
Một xu hướng khác trong cuộc chiến về phí của các quỹ ETF là tái khởi động hoặc tái định vị các phiên bản có mức phí giao dịch thấp hơn của các sản phẩm beta đơn giản để thu hút dòng tiền đầu tư, phần lớn trong số này là từ các nhà đầu tư lâu dài có nhu cầu đối với những sản phẩm đầu tư thụ động giá rẻ.
Những sản phẩm loại này chứng kiến sự cắt giảm phí giao dịch liên tiếp và đã thu hút được một lượng tiền đầu tư lớn. Trong số này có các quỹ ETF của Vanguard, iShare Core của BlackRock, các quỹ chỉ số của Schwab và BetaBuilder của J.P Morgan.