Nỗi đau không cổ tức

(ĐTCK) Việc nhiều doanh nghiệp chây ỳ cổ tức, doanh nghiệp kinh doanh có lãi, nhưng không trả cổ tức cho cổ đông không chỉ là nỗi đau của các cổ đông, mà còn là của cả cơ quan quản lý.
Nỗi đau không cổ tức

Liên tiếp trong mấy ngày gần đây, báo chí đưa tin, phỏng vấn nhiều nhà đầu tư là cổ đông của CTCP Sông Đà 704 (S74) phản ánh bức xúc nhiều năm liền không chia cổ tức.

Cổ đông đã chia sẻ cảm xúc họ bị lừa, vì mua cổ phiếu để mong nhận cổ tức, bản thân doanh nghiệp cũng đã ra nghị quyết, Đại hội đồng cổ đông đã quyết nghị mức chia cổ tức, nhưng thực tế, họ đã không nhận được lợi ích gì từ doanh nghiệp. 

Bức xúc với doanh nghiệp, các cổ đông đã lên tiếng, báo chí đã vào cuộc, nhưng câu trả lời chính thức từ phía S74 vẫn là vì khó khăn, Công ty không có tiền mặt để trả cổ tức.

Bức xúc chồng lên bức xúc, các cổ đông S74 tiếp tục gửi kiến nghị đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), chờ sự “ra tay” của nhà quản lý, buộc doanh nghiệp phải chia cổ tức cho cổ đông.

Nhưng nhà quản lý, UBCK hay Sở GDCK có thể buộc doanh nghiệp chia cổ tức cho cổ đông không? Câu trả lời chắc chắn là không, vì quyền phân chia lợi ích tối cao tại doanh nghiệp thuộc về Đại hội đồng cổ đông.

Khi Đại hội đồng cổ đông đã quyết chia, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện, thì hoặc là các cổ đông phải tập hợp lại, phế truất HĐQT đương nhiệm, bầu HĐQT mới, theo đó là Ban lãnh đạo mới, biết vì cổ đông hơn; hoặc là các cổ đông khởi kiện Ban lãnh đạo đương nhiệm, theo con đường mà pháp lý đã cho phép.

Trong một lần trao đổi gần đây, câu hỏi cơ quan quản lý có giải pháp gì khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chây ỳ cổ tức, doanh nghiệp kinh doanh có lãi, nhưng không trả cổ tức cho cổ đông, đã được báo chí đưa ra để thảo luận. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội (HNX) chia sẻ, đó là một nỗi đau không chỉ của cổ đông, của nhà đầu tư, mà còn của cả nhà quản lý.

“Chất lượng quản trị doanh nghiệp còn kém, doanh nghiệp không tuân thủ 5 nguyên tắc căn bản của quản trị công ty là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự thiệt thòi của cổ đông, sự bức xúc của nhà đầu tư và thị trường”, ông Dũng nói.

Ở tầm Sở GDCK, nơi tổ chức thị trường giao dịch cho cổ phiếu của doanh nghiệp, cách mà Sở đang làm là nỗ lực cải thiện từ gốc, tìm cách cải thiện chất lượng quản trị công ty để từ đó, doanh nghiệp tôn trọng cổ đông hơn, trách nhiệm của HĐQT rõ ràng hơn trong hoạt động của doanh nghiệp.

Báo cáo đánh giá quản trị công ty của 364 doanh nghiệp niêm yết trên HNX được thực hiện bởi các chuyên gia độc lập mới đây cho thấy, minh bạch thông tin tài chính và trách nhiệm, tính độc lập của HĐQT là những điểm yếu nhất của doanh nghiệp.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, quyền lợi của cổ đông nhỏ chưa được chú ý, khi tính đại chúng của doanh nghiệp còn thấp và tỷ lệ sở hữu tập trung vào các cổ đông lớn còn cao.

Ở vai trò quản lý, tổ chức TTCK, UBCK, các Sở có cách làm riêng để tác động vào mối quan hệ cổ đông - doanh nghiệp. Tuy nhiên, trực diện trong vụ S74 hay hàng chục doanh nghiệp khác chây ỳ cổ tức, cổ đông khó có thể trông chờ vào phán quyết của cơ quan quản lý TTCK để mong nhận cổ tức, vì họ không có quyền phán xét lợi ích tại doanh nghiệp.

Các cổ đông là chủ sở hữu đích thực của doanh nghiệp và chỉ có cổ đông, bằng con đường khởi kiện tại Tòa, hoặc tập hợp nhau lại để đủ sức thay người lãnh đạo doanh nghiệp, mới tạo được sức ép lên Ban lãnh đạo đương nhiệm, buộc họ ứng xử công bằng với “đồng tiền, bát gạo” mà nhà đầu tư góp sức, tạo nên doanh nghiệp.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục