Theo nhìn nhận của các chuyên gia, một hạn chế lớn của Luật Doanh nghiệp (DN) là không rõ ràng trong phân định hoạt động nào là hợp pháp và khi nào là phạm pháp. Điều này khiến giới doanh nhân giống như “tù nhân dự bị”, bởi rất khó biết hành vi nào là đúng, là sai. Hạn chế này có được khắc phục khi sửa Luật DN lần này, thưa ông?
Điểm mới của Dự thảo Luật là pháp luật không bắt buộc ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN). Với quy định hiện hành, DN phải ghi rõ ngành nghề hoạt động vào GCNĐKDN và điều lệ công ty. Khi DN kinh doanh những ngành nghề không ghi trong GCNĐKDN, thì bị coi là phi pháp.
Trên thực tế, doanh nhân không cố ý làm như vậy, nhưng vì cơ hội kinh doanh xuất hiện, người ta muốn chớp lấy nó. Hệ quả là khi triển khai các giao dịch, hợp đồng đối với các ngành nghề mới nằm ngoài những ngành nghề đã ghi trong GCNĐKDN, thì bị coi là vô hiệu, nên họ đối mặt với rủi ro rất lớn. Với bước cải cách này, sẽ hiện thực hóa được một nguyên tắc quan trọng trong Hiếp pháp là người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Cải cách này sẽ giúp người kinh doanh giảm được nhiều chi phí, thời gian về đăng ký bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh, nhất là giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, giúp họ tự tin triển khai các hoạt động kinh doanh.
Một bất cập khác của Luật DN là sự không rõ ràng về thủ tục thành lập DN và kinh doanh có điều kiện. Thực trạng này có được khắc phục trong Dự thảo Luật DN sửa đổi không, thưa ông?
Dự thảo Luật có đưa ra phương án khắc phục bất cập này. Theo đó, Dự thảo tách bạch giữa thủ tục thành lập DN và giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN, như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định… Nghĩa là Dự thảo Luật vạch ra ranh giới rõ ràng về thủ tục thành lập DN và điều kiện kinh doanh. Các DN dù kinh doanh thông thường, hay hoạt động kinh doanh các ngành nghề có điều kiện, thì thủ tục thành lập DN là như nhau.
Sau đó, với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì DN phải tuân thủ các điều kiện cụ thể mới được phép kinh doanh. Việc áp dụng thống nhất thủ tục đăng ký DN cho DN hoạt động trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, là một bước tiến lớn trong Dự thảo Luật.
Mặt khác, Dự thảo còn quy định áp dụng thống nhất các thủ tục về thành lập DN, mua cổ phần, phần vốn góp đối với NĐT trong nước và nước ngoài. Chỉ có điểm lưu ý là khi DN có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các dự án, hoạt động đầu tư kinh doanh, thì tùy hoạt động cụ thể mà có thể có sự phân biệt hợp lý so với DN trong nước.
Liên quan đến cải cách thủ tục đăng ký DN, Dự thảo quy định: thay vì có nghĩa vụ thực hiện 9 thủ tục, DN chỉ còn phải thực hiện 5 thủ tục, các thủ tục còn lại do cơ quan quản lý có trách nhiệm thực thi thay DN…
Luật DN đưa ra một loạt quy định, nhất là chốt tỷ lệ 65% cổ phần có quyền biểu quyết, nhằm bảo vệ cổ đông thiểu số. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu này không đạt được, đồng thời còn gây tốn kém cho DN và cổ đông. Ông có đồng tình với cách đánh giá này? Dự thảo Luật khắc phục hạn chế này theo hướng nào?
Đúng là sau 7 năm áp dụng Luật DN, các quy định về bảo vệ cổ đông thiểu số không đạt mục tiêu đề ra của nhà làm luật. Các quy định này trên thực tế còn gây khó khăn, tốn kém cho DN và các cổ đông. Để khắc phục bất cập này, Dự thảo Luật thay thế chốt 65% bằng chốt 51%. Cụ thể, Dự thảo Luật quy định: cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% (thay vì 65% như hiện hành) tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định.
Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành do không hội đủ tỷ lệ này, thì ĐHCĐ triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết. Nếu không đáp ứng được tỷ lệ này, thì ĐHCĐ lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào số cổ đông dự họp và tỷ lệ số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp…
Dự thảo Luật còn giảm yêu cầu về tỷ lệ biểu quyết thông qua các quyết định tại ĐHCĐ xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định đặc biệt, trong khi tỷ lệ tương ứng theo quy định của Luật hiện hành là 65% và 75%.
Dự thảo Luật còn thừa nhận giá trị pháp lý của cuộc họp ĐHCĐ, HĐQT dưới hình thức hội nghị trực tuyến, hoặc phương tiện thông tin tương tự khác… Những cải cách trên sẽ tạo thuận lợi và linh hoạt hơn cho DN trong việc ra quyết định, qua đó giảm chi phí, giảm thời gian tuân thủ luật cho DN.
Ngoài các điều chỉnh trên, còn có những quy định mới nào để bảo vệ cổ đông hiệu quả hơn trên thực tế, tránh hình thức như hiện tại, thưa ông?
Dự thảo Luật còn bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của cổ đông như: quy định chi tiết hơn về bổn phận của người quản lý DN, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông theo dõi, giám sát và khởi kiện người quản lý DN khi cần thiết. Theo đó, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình, hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, Tổng giám đốc khi vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của ĐHCĐ; sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng…
Tuy nhiên, Luật DN sửa đổi chỉ làm được một việc là tạo thuận lợi cho cổ đông khởi kiện ban lãnh đạo DN dễ dàng và chính xác hơn, còn điều quan trọng là trình tự, thủ tục khởi kiện ra tòa án cần được đơn giản hóa, để giải quyết hiệu quả các tranh chấp của cổ đông và DN, tránh tình trạng quá phức tạp như hiện nay.
Cổ đông bức xúc do nhiều DN niêm yết cố tình chây ì trả cổ tức, nhưng tại sao Dự thảo Luật lại không bổ sung chế tài xử lý hành vi này, thưa ông?
Theo thông lệ quốc tế, vấn đề này cần để cho thị trường, cổ đông trừng phạt DN thì hợp lý hơn là quy định cứng trong luật. Theo đó, với những DN làm ăn không đàng hoàng, nhất là trong thực hiện cam kết thanh toán cổ tức, thì ngoài khởi kiện ra tòa án, cách tốt nhất là cổ đông hãy bán vốn, chấm dứt đầu tư vào DN.