Tại cuộc họp giữa các NHTM với Đoàn đại biểu quốc hội TP. HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc DongA Bank cho biết, nợ xấu của Ngân hàng tính đến cuối tháng 10/2014 là 6,8% tổng dư nợ, tăng đáng kể so với cuối năm ngoái khi tỷ lệ nợ quá hạn là 10,77% tổng dư nợ (tỷ lệ nợ xấu là 4%).
Theo lãnh đạo DongA Bank, nguyên nhân một phần là do thị trường khó khăn, sức mua yếu, tồn kho tăng, sức khỏe doanh nghiệp chưa hồi phục, nên việc thu hồi nợ rất khó, dù Ngân hàng đã tập trung mọi nguồn lực xử lý. Mặt khác, việc áp dụng các quy chuẩn về phân loại nợ mới cũng góp phần làm cho nợ xấu của ngành và DongA Bank gia tăng.
Tại Eximbank, trong khi tín dụng vẫn khó tăng, thì nợ xấu vẫn tăng mạnh. Cụ thể, tín dụng Eximbank âm gần 4% trong 9 tháng đầu năm, nhưng có đến 2.689 tỷ đồng nợ xấu, tăng 62,8% so với cuối năm 2013. Trong đó, cả nợ nhóm 3 và nhóm 4 đều tăng hơn 2 lần. Tính trên tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank là 3,35% (thời điểm đầu năm là 1,98%). Điều này cũng được Eximbank cho biết, do áp lực tăng trưởng dư nợ và kiểm soát chất lượng tín dụng phải đi kèm.
Tín dụng tăng trưởng âm 1,4%, nhưng nợ quá hạn của ABBank lên tới 3.739 tỷ đồng tính đến hết quý III/2014, chiếm 16% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng (tỷ lệ này cuối năm ngoái là 14,2%). PG Bank cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,92% lên 3,06%.
Tuy vẫn kiểm soát dưới ngưỡng 2%, nhưng nợ xấu của BIDV cũng tăng 7,3% trong 9 tháng đầu năm, với tổng nợ xấu 7.961 tỷ đồng, chiếm 1,93% trên tổng dư nợ. MB có tổng cộng 2.825 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 3,09% trên tổng dư nợ, tăng 31,6% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của VCB đến cuối tháng 9/2014 ở mức 2,54% trên tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 2,72% hồi đầu năm. Tuy nhiên, VCB vẫn có tổng cộng 7.686 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm hơn một nửa và tăng xấp xỉ 70% so với cuối năm 2013. Vì thế, đòi hỏi VCB phải trích lập một khoản dự phòng lớn.
Theo lãnh đạo nhiều nhà băng, nợ xấu hiện không chỉ phát sinh từ những khoản vay cũ, mà ở cả những hợp đồng tín dụng mới. Bên cạnh đó, việc thực hiện phân loại nợ theo chuẩn Thông tư 09 tạo áp lực lớn lên ngân hàng về trích dự phòng, trong khi công tác xử lý nợ thu hồi tiền mặt và phát mãi tài sản chiếm tỷ lệ rất ít. Trên thực tế, phát mãi tài sản vẫn là bài toán khó đối với ngân hàng khi thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc (75% tài sản thế chấp trong vay vốn là bất động sản).
Một lãnh đạo ABBank cho biết, hiện ABBank đã bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và đẩy mạnh xử lý nợ xấu để khơi thông dòng chảy tín dụng, song tín dụng vẫn rất khó tăng. Một phần do cạnh tranh giữa các NHTM để dành khách hàng tốt, một phần do lo ngại bị hình sự hóa, nợ xấu tăng, nên khâu thẩm định chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ hơn.
“Khả năng nợ xấu sẽ còn tăng cao trong những tháng tới, bởi ngân hàng phải khai báo đầy đủ nợ xấu, trong khi sức khỏe doanh nghiệp chưa hồi phục..., đòi hỏi trích dự phòng rủi ro cao, cho dù ngân hàng đã đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC”, lãnh đạo một nhà băng lo ngại, đồng thời kiến nghị, NHNN nên xem xét giảm trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt
Cũng có cùng kiến nghị, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho rằng, bán nợ cho VAMC, nhưng hiện ngân hàng chưa sử dụng trái phếu VAMC để thế chấp vay lại NHNN vì thanh khoản đang tốt. Trong khi, quá trình tái cấu trúc, ngân hàng triển khai nhiều dự án đầu tư tái cơ cấu, sẽ rất cần vốn, nên việc phải trích lập dự phòng quá cao làm “ăn mòn” vào lợi nhuận của ngân hàng.
Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ, nợ xấu có thể sẽ tăng, nhưng hiện vẫn trong tầm kiểm soát của ngân hàng. Tuy nhiên, nợ xấu đã tác động đến quá trình tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, bên cạnh nguyên nhân do sức cầu thị trường giảm, doanh nghiệp không biết vay vốn để làm gì.
“Nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu kỳ vọng đưa ra của ngành ngân hàng 12 - 14%, từ nay đến cuối năm, cả nền kinh tế phải ‘nuốt’ thêm 100.000 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn so với sức cầu về vốn của doanh nghiệp đang yếu trong bối cảnh hiện nay”, TS. Trần Du Lịch nói.