Nợ xấu phân hóa lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tranh chung của ngành ngân hàng là nợ xấu đi lên trong quý I/2024, nhưng tỷ lệ nợ xấu cũng như tỷ lệ bao phủ nợ có sự phân hóa lớn giữa các nhà băng.
Nợ xấu tăng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý I/2024 của MB giảm 11% so với cùng kỳ Nợ xấu tăng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý I/2024 của MB giảm 11% so với cùng kỳ

Nợ xấu mới có dấu hiệu hình thành

Báo cáo tài chính quý I/2024 của các ngân hàng thương mại cho thấy, trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối (Big4), BIDV là ngân hàng có nợ xấu nhiều nhất, với 27.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 20,7% so với cuối tháng 12/2023. Tiếp theo là VietinBank, khi nợ xấu ghi nhận ở mức 20.017 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2023; trong đó, đáng chú ý là nợ nhóm 3 tăng mạnh 167%, lên 6.640 tỷ đồng.

Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm, với tổng nợ xấu hơn 15.459 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 3/2024, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023.

Đáng chú ý, tại MB, số dư nợ xấu đã tăng 56% trong quý I/2024, lên mức 15.294 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng hơn gấp đôi, từ 2.889 tỷ đồng vào đầu năm lên 6.048 tỷ đồng vào cuối quý I/2024. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của MB tăng từ mức 1,6% lên 2,49% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống 80,1% vào cuối tháng 3/2024. Chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu trong quý I/2024 của MB đã tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2023, lên 2.707 tỷ đồng, góp phần làm lợi nhuận trước thuế giảm 11%, còn 5.795 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của ABBank đã tăng lên 3,92% vào cuối quý I/2024, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng âm tới 19,34% trong quý I/2024. PVcomBank cũng có tỷ lệ nợ xấu suýt soát 4%; trong đó, nợ xấu ở nhóm nghi ngờ tăng 15,8%, nợ có khả năng mất vốn tăng 17,4% so với cùng kỳ. Nợ xấu của MSB cũng lên tới 4.960 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2024, tăng 16% so với hồi đầu năm và chiếm 3,2% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng.

Một số ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu cao như BVB (3,9%), BVBank (3,1%), SHB (3%), VietBank (3,1%)…

Đánh giá về bức tranh nợ xấu toàn ngành ngân hàng, một lãnh đạo cao cấp của ACB cho biết, nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều có xu hướng tăng lên trong quý I/2024. Tỷ lệ này đang thấp hơn giai đoạn quý II - III/2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng xét riêng lẻ thì tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 - 5) và nợ nhóm 2 lại tăng lên đáng kể, cho thấy một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành.

“Trong giai đoạn quý II/2020 - I/2023, nợ tái cơ cấu giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, từ quý II/2023 tới nay, nợ tái cơ cấu đang có xu hướng tăng dần. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLR) tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào quý IV/2023 cho thấy áp lực trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn trong giai đoạn tới”, lãnh đạo ACB nhấn mạnh.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu, yếu tố bất định chủ yếu do tăng trưởng toàn cầu có thể thấp hơn so với dự kiến, cụ thể là một số các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Những diễn biến như vậy có thể tác động đến quá trình phục hồi xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo của Việt Nam cũng như tăng trưởng và sản xuất công nghiệp. Căng thẳng địa chính trị leo thang có thể ảnh hưởng đến kim ngạch và định hướng xuất khẩu.

“Nhìn vào trong nước, thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các nhà đầu tư, làm giảm đầu tư của khu vực tư nhân, là yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục xấu đi - do thị trường bất động sản ảm đạm - có thể ảnh hưởng không tốt đến triển vọng tăng trưởng khi dự phòng vốn, đặc biệt ở một số ngân hàng thương mại Nhà nước còn tương đối mỏng”, bà Dorsati Madani nêu quan điểm.

Cũng theo chuyên gia WB, chất lượng tài sản xấu đi trong năm 2023 bất chấp việc cơ quan quản lý cho phép triển khai lại biện pháp tạm hoãn trả nợ. Tỷ lệ nợ xấu trên bảng cân đối kế toán (NPL) tại các ngân hàng thương mại tăng lên 4,5% vào tháng 12/2023, từ mức 1,9% vào cuối năm 2022. Điều này bất chấp việc tái áp dụng các biện pháp tạm hoãn trả nợ vào tháng 4/2023 (Thông tư số 02/2023), trong đó có tổng cộng 171.000 tỷ đồng cho vay được cơ cấu lại vào tháng 12/2023, tương đương 1,3% tổng dư nợ tín dụng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng không đi kèm với việc tăng trích lập dự phòng cho vay của các ngân hàng thương mại, dẫn đến tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay giảm đáng kể, xuống mức trung bình 95% trong quý IV/2023, từ mức 123% vào cuối năm 2022.

Một điểm nữa được chuyên gia WB nhấn mạnh, mức trích lập dự phòng giữa các ngân hàng cũng rất khác nhau, từ 7 - 230%, với một số ngân hàng có dự phòng không đáng kể để đủ bù lỗ cho các khoản nợ xấu. Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thấp như vậy có thể đã cho phép các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn tăng nhẹ lên mức 11,9% vào tháng 12/2023, so với mức 11,5% vào cuối năm 2022.

Cần đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính

Mức trích lập dự phòng giữa các ngân hàng cũng rất khác nhau, từ 7 – 230%.

Ông Lê Hoài Ân, CFA, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp nhận định, tín dụng tăng rất chậm trong quý I/2024 khiến áp lực tăng trưởng của các quý còn lại càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh sức cầu của thị trường vẫn yếu mà ngân hàng đẩy mạnh giải ngân thì rủi ro nợ xấu là rất lớn. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết được cải thiện trong quý IV/2023, nhưng đến quý I/2024 lại bật tăng lên mức 2,18%, điều này hàm ý một câu chuyện khác về diễn biến nợ xấu của các ngân hàng.

“Áp lực kinh tế kết hợp với các yếu tố mùa vụ tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của nợ xấu. Những khoản vay phục vụ mùa vụ như nông nghiệp hoặc bán lẻ bị ảnh hưởng mạnh mẽ do sự bất ổn của thị trường. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trong các khoản vay mùa vụ đã tăng lên 30% so với mức trung bình hàng năm. Điều này cho thấy sự không chắc chắn trong môi trường kinh doanh có thể gây ra những biến động mạnh trong chất lượng tài sản của ngân hàng. Ngành ngân hàng cần áp dụng những chiến lược linh hoạt hơn trong việc cấp vốn cho các mùa vụ kinh doanh để giảm thiểu rủi ro”, ông Ân phân tích.

Cũng theo ông Ân, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng cũng cho thấy dấu hiệu giảm sút trong những quý gần đây. Tại quý I/2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngành giảm xuống còn giảm 86,87% từ mức 106% của cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình nợ xấu tăng, các chính sách lãi suất cho vay thấp và việc thiếu hụt thanh khoản gần đây của các ngân hàng khi tiến hành tăng đồng loạt lãi suất huy động, áp lực gia tăng trích lập dự phòng để duy trì bộ đệm của các ngân hàng càng lớn, qua đó cũng góp phần giải thích cho mức tăng trưởng lợi nhuận thấp của toàn ngành dù ghi nhận con số tăng trưởng tín dụng tốt.

“Chỉ đơn thuần dựa trên các con số trung bình ngành mà để dự báo và đánh giá nợ xấu dẫn đến việc phân tích và dự báo sẽ không thể toàn diện vấn đề. Điều quan trọng hơn là cách mà chúng ta thực sự hiểu về bản chất nợ xấu, tại sao một số ngân hàng vẫn duy trì được chất lượng tài sản tốt trong khi một số lại có sự suy giảm mạnh. Sự phân hóa về mức nợ xấu giữa các ngân hàng chủ yếu nằm ở hai yếu tố chính, một là khả năng quản trị của ngân hàng và hai là chiến lược kinh doanh và tệp khách hàng riêng biệt của các ngân hàng”, ông Ân nói.

Chuyên gia kinh tế của WB tiếp tục nhấn mạnh: “Đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính vẫn là điều quan trọng nhất, trong đó tập trung quản lý rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nợ xấu gia tăng, bao gồm cả nguyên nhân do giá trị tài sản giảm trên thị trường bất động sản”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục