Nợ xấu bám cổ phiếu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng sau khi tạo sóng nửa đầu năm đã chững lại trong suốt 4 tháng sau đó vì một rủi ro còn đang chờ nhận diện chi tiết.
Nợ xấu bám cổ phiếu ngân hàng

Dư nợ xấu của 27 ngân hàng tăng 26% sau 9 tháng

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa có dấu hiệu hồi phục đến từ báo cáo tài chính quý III/2021 của nhiều nhà băng thể hiện nợ xấu gia tăng.

Tình trạng này có thể tiếp tục diễn ra trong quý IV và lợi nhuận ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trước áp lực phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.

Thực tế, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang dần hiện ra những mảng tối, chất lượng dư nợ cho vay của đa số nhà băng đi xuống. Nếu xét cả nợ tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng sẽ lớn hơn nhiều những gì đã thể hiện trên báo cáo tài chính.

Theo báo cáo tài chính, tổng dư nợ xấu tính đến 30/9/2021 của 27 ngân hàng niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung là 113.006 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Số ngân hàng có nợ xấu tăng chiếm xấp xỉ 2/3.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 không hẳn là lo lắng ngay hôm nay, mà lo lắng cho câu chuyện những năm tới, vì độ trễ tác động tới ngành ngân hàng có thể nửa năm, một năm. Đơn cử, việc tái cơ cấu nợ, nhìn sổ sách thì tưởng đẹp, nhưng thực chất có không ít khách hàng doanh nghiệp phải mất 5 - 7 năm mới có thể phục hồi.

“Họ gần như kiệt quệ, 80 - 90% giá trị tài sản, vốn liếng đều ở ngân hàng, tức là hoạt động bằng tiền vay”, ông Tú nói.

Hiện tại, có 3,5 - 4 triệu tỷ đồng dư nợ đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 trong tổng số 9,8 triệu tỷ đồng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Nợ xấu hệ thống ngân hàng được nhận định sẽ tăng lên trong thời gian tới, khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng bị tác động bởi dịch bệnh.

Ngân hàng Nhà nước dự báo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 có khả năng tăng lên 7,1 - 7,7% (cuối năm 2020 là 3,81%).

Lợi nhuận vẫn có triển vọng tăng

Theo giới phân tích, năm 2021, ngành ngân hàng là điểm sáng trong bối cảnh nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lợi nhuận quý III/2021 của một số ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm 2020 do tác động của làn sóng dịch lần thứ tư, song lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn có mức tăng trưởng cao.

Thống kê của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng đạt mức tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thu nhập lãi thuần của hầu hết ngân hàng niêm yết tăng trưởng tốt, biên lãi ròng (NIM) so với năm 2020 mở rộng 20 điểm cơ bản, lên 4,2%, trái ngược với lo ngại của thị trường về việc NIM có khả năng giảm.

Chi phí vốn giảm nhanh hơn tốc độ giảm của lợi suất cho vay là yếu tố giúp NIM mở rộng. Các ngân hàng tiếp tục nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tiếp cận nguồn vốn bán buôn với chi phí rẻ hơn là những yếu tố góp phần làm giảm chi phí vốn.

Năm 2022, NIM có thể chịu áp lực giảm, bắt nguồn từ việc lãi suất huy động có khả năng tăng do áp lực lạm phát và sự cạnh tranh trong việc huy động vốn giữa các ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.

Các ngân hàng có vị thế thanh khoản tốt (hệ số LDR thấp), tỷ lệ CASA cao và còn nhiều dư địa để gia tăng cơ cấu cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và bán lẻ sẽ có vị thế tốt hơn để giảm thiểu áp lực lên NIM. Dựa vào các tiêu chí trên, chuyên gia của MBKE duy trì đánh giá cao các mã cổ phiếu: TCB, MBB, VCB.

MBKE dự báo, 17 ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10% trong quý IV/2021, tương đương 44.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (bằng mức trung bình ba quý đầu năm), nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ phí mạnh hơn. Cả năm 2021, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng có thể đạt 33% so với năm 2020.

Vân Linh
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục