Sự cải tiến đến từ nhiều hướng, bằng nhiều cách. Trước hết, nhiều CTCK đã mạnh tay đầu tư cho công nghệ, nhân lực và năng lực quản trị để đảm bảo cho mọi hoạt động giao dịch an toàn, thông suốt. Trong đó, nhận thức về đảm bảo an toàn thanh khoản đã được đặt lên hàng đầu.
Cao hơn mức cơ bản đó, nhiều CTCK đã làm mới mình để có thể cung cấp những dịch vụ giá trị gia tăng vượt trội trong các lĩnh vực như môi giới, tư vấn doanh nghiệp, đơn cử hỗ trợ bên bán trong việc tìm kiếm bên mua và ngược lại; phối hợp với cơ quan chức năng để gỡ khó cho những giao dịch có mức giá nằm ngoài biên độ; thu mua thỏa thuận cổ phiếu giúp các bên để giữ ổn định thị trường; đưa ra lời giải cho các bài toán về quản trị dòng tiền; hỗ trợ định vị và tái cấu trúc ngành lõi hoạt động…
Nhiều dịch vụ mới đã được các CTCK thực hiện tốt, đem lại thành công cho họ cũng như hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường. Vượt ra khỏi ranh giới của ngành chứng khoán, đã có những CTCK được vinh danh doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu, doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất…
Trên thương trường quốc tế, cũng đã có những CTCK Việt Nam được vinh danh, sánh vai với các định chế tài chính trong khu vực.
Với một ngành dịch vụ như chứng khoán, gây dựng uy tín đã khó, giữ gìn và phát huy được uy tín lại càng khó hơn. Trải qua nhiều thăng trầm, các CTCK đã thấm thía bài học đó.
Những CTCK đi tắt, đi nhanh bằng mọi giá đều đã phải trả giá đắt, thậm chí là ngừng hoạt động.
Cho đến thời điểm này, hoạt động tái cấu trúc về vốn, cổ đông chiến lược, nghiệp vụ kinh doanh, công nghệ, nhân sự, tổ chức của các CTCK vẫn đang được triển khai.
Về phần mình, UBCKNN cũng đã đưa thông điệp về việc tiếp tục tập trung triển khai các nhóm giải pháp, nhằm ngày càng nâng cao tính tuân thủ của các CTCK trên 3 trụ cột: các chỉ tiêu an toàn tài chính, quy chế CAMEL và quy chế quản trị rủi ro.
Kế hoạch triển khai các chính sách mới nhằm nâng cao tính minh bạch, “sức khỏe” của các CTCK cũng đang được thực thi.
5 năm nữa không phải là quãng thời gian quá dài để thực hiện mục tiêu đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP như mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.
Trong chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, vai trò của các tổ chức trung gian như CTCK càng có ý nghĩa đặc biệt bởi để TTCK ổn định, vững chắc, hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, lợi ích của nhà đầu tư được bảo vệ, giữ được lòng tin của thị trường, hoạt động của khối CTCK phải lành mạnh, hiệu quả.
Nỗ lực làm mới của khối CTCK cũng góp phần đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam.
Trên bước đường phát triển của mình, các CTCK sẽ phải đối mặt với môi trường kinh doanh còn nhiều biến động và không ít rủi ro như vẫn thường thấy của một thị trường vốn non trẻ. Song với định hướng phát triển TTCK Việt Nam đã được Chính phủ đề ra, chắc chắn sẽ có những thay đổi và kỳ vọng, nhiều chính sách mới được ban hành, nhiều sản phẩm mới được xuất hiện. Cùng với một TTCK đang ngày càng toàn diện hơn, các CTCK sẽ có cơ hội hướng đến một tương lai bền vững.