CTCK xoay xở tìm vốn để giữ cam kết với nhà đầu tư

(ĐTCK) Ngay sau khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN được ban hành, nhiều CTCK cho biết, sẽ nỗ lực hết sức để duy trì chính sách tín dụng đã cam kết với khách hàng, trong đó có tính đến giải pháp huy động nguồn vốn mới.
SHS đang lên kế hoạch tăng vốn và phát hành 
trái phiếu SHS đang lên kế hoạch tăng vốn và phát hành trái phiếu

Tăng vốn chủ

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc CTCK SHS cho biết, SHS sẽ duy trì các cam kết với những NĐT đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ tài chính với Công ty và chắc chắn không có chuyện ra thông báo cắt các hợp đồng giữa chừng. Song với những NĐT mới, việc cung cấp tài chính có thể sẽ được xem xét kỹ hơn, theo hướng ưu tiên cho những khách hàng có kinh nghiệm giao dịch, có khả năng kiểm soát và quản trị rủi ro.

Giải pháp mà SHS tính đến là tăng vốn và phát hành trái phiếu. Theo ông Tiến, sau tái cơ cấu, SHS hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt trong quý III vừa qua, cho thấy các định hướng chiến lược mà Công ty đang thực hiện là hợp lý và đem lại lợi ích thiết thực cho cổ đông. Bởi vậy, nếu Công ty tăng vốn cổ phần, cổ đông sẽ ủng hộ. Với giải pháp phát hành trái phiếu, SHS đã làm việc với một số đối tác và họ cho biết sẵn sàng bỏ vốn vào doanh nghiệp.

Trên thực tế, nguồn vốn từ ngân hàng rất quan trọng với các CTCK. Ngay các công ty hàng đầu như SSI mới đây cũng vay ngân hàng 1.000 tỷ đồng, HSC vay của 3 ngân hàng 1.400 đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Khi dòng vốn ngân hàng thu hẹp lại, giải pháp tăng vốn chủ sở hữu là yêu cầu bắt buộc với nhiều CTCK nếu muốn hỗ trợ tài chính cho NĐT tốt hơn. Song không phải CTCK nào cũng có thể thực hiện việc tăng vốn và phát hành trái phiếu.

Tổng giám đốc một CTCK trực thuộc ngân hàng cho biết, Công ty sẽ rất vất vả để xoay xở thêm nguồn vốn khi ngân hàng mẹ không được phép rót vốn cho CTCK con.

Về lý thuyết, do trực thuộc ngân hàng mẹ, CTCK có cơ chế báo cáo chặt chẽ, đồng thời ngân hàng cũng hiểu và nắm rõ hoạt động của “con”, rót vốn cho “con” ở góc độ nào đó sẽ an toàn và được kiểm soát chặt hơn nhiều so với khi rót vốn cho CTCK khác. Bởi vậy, theo vị tổng giám đốc này, cơ quan quản lý nên tính đến việc giới hạn theo một tỷ lệ nhỏ nào đó, thay vì cấm hoàn toàn như hiện nay. Giải pháp mà CTCK này cũng tính đến là đề xuất với ngân hàng mẹ cho phép tăng vốn.

Có lẽ, lường trước Thông tư 36 sẽ sớm được ban hành, một số CTCK trực thuộc ngân hàng thời gian qua đã thực hiện tăng vốn. Đơn cử, CTCK Techcombank tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, VCBS phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu và dự kiến sẽ phát hành thêm một đợt nữa. 

Tìm đối tác dư tiền

Một giải pháp khác mà nhiều CTCK đang xem xét áp dụng là tìm kiếm các nguồn vốn hợp tác với các tổ chức, cá nhân đang dư dả tài chính.

CTCK sẽ là cầu nối, quản lý tài sản của NĐT, áp dụng theo các điều kiện quy định về margin… Nguồn tiền này trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ở mức thấp như hiện nay, theo đánh giá của các CTCK, đang rất dồi dào. Nếu gửi ngân hàng, tổ chức, cá nhân chỉ có thể hưởng lãi suất 5 - 6%/năm, trong khi thông qua CTCK, mức lãi suất họ có thể hưởng lên tới 10%/năm.

Tất nhiên, không phải CTCK nào cũng có thể đủ độ tin cậy để NĐT sẵn tiền gửi gắm niềm tin vì những hợp đồng ba bên như vậy chỉ là quan hệ kinh tế dân sự. Nếu CTCK không đủ lớn, không đủ uy tín và chứng minh được năng lực quản trị, kiểm soát tốt rủi ro, lãi suất cao cũng không thể hợp tác được dạng này.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCK An Bình, sau khi Thông tư 36 ra đời, những ngân hàng mà công ty ông đang hợp tác vẫn duy trì các cam kết như bình thường. Trong đó, có cả những ngân hàng có nợ xấu đang vượt 3%, nhưng họ cho biết đã có giải pháp và đang trong lộ trình đưa nợ xấu giảm về dưới mức quy định. Một số ngân hàng mà Công ty đang xây dựng kế hoạch hợp tác, tài trợ vốn cũng tiếp tục triển khai việc đàm phán…

Dòng tiền thông minh sẽ chảy đến địa chỉ sinh lời hấp dẫn. Nếu TTCK vận hành ổn định và tiếp tục có triển vọng khả quan, đến một thời điểm, sẽ tạo ra lực hút với tiền nhàn rỗi của người dân. Hiện tiền trên thị trường cũng không thiếu. Quan trọng là làm sao để tâm lý NĐT vững vàng và thị trường đủ tốt, vận hành minh bạch và ngày càng có thêm nhiều hàng hóa chất lượng.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục