Trong 2 ngày 24 - 25/9, TAND TP. Hà Nội xét xử vụ tranh chấp giữa nhà thầu phụ CTCP Dịch vụ và Kỹ thuật cơ điện lạnh REE (sau đây gọi tắt là Công ty) và tổng thầu phía Trung Quốc là Công ty TNHH Kiến thành Bắc Kinh (BUCG) về việc thi công Dự án Hồ Tây Vàng. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Hà Việt Tungshing, quản lý dự án và bảo trì là Công ty TNHH AIC.
Theo đó, tháng 5/2007, hai bên ký hợp đồng thầu phụ, Công ty sẽ thi công một số hạng mục trong dự án như bể bơi, hệ thống xử lý nước thải, điều hòa, một phần hệ thống PCCC…, với tổng giá trị hợp đồng là 5,1 triệu USD (khoảng 108 tỷ đồng). Tiến độ thi công trong vòng 1 năm, tức là phải thi công xong vào tháng 5/2008.
Đại diện nhà thầu phụ cho biết, trong quá trình thực hiện hợp đồng, giá trị thanh toán phát sinh thêm 600.300 USD, thành 5,7 triệu USD, phía BUCG đã thanh toán 5,2 triệu USD. Công ty kiện đòi BUCG thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng là 11,5 tỷ đồng và lãi phát sinh, tổng cộng là 17,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại diện BUCG cho rằng, trong quá trình thi công, phía thầu phụ có phát sinh tăng, nhưng cũng có phát sinh giảm. Trong số phát sinh tăng, có gói thầu BO 29 về bồn chứa gas, tổng giá trị khoảng 117.000 USD. Quá trình thi công có sự thay đổi thiết kế, đáng lẽ chủ đầu tư vẫn phải thanh toán toàn bộ giá trị ban đầu, nhưng phía nhà thầu phụ đã có văn bản gửi chủ đầu tư chấp nhận giảm 50%, tức là BUCG chỉ còn phải thanh toán cho nhà thầu phụ khoảng 58.600 USD. Do đó, phát sinh tăng của nhà thầu phụ chỉ còn khoảng 545.000 USD.
Về phát sinh giảm, nhà thầu phụ có 7 khoản phát sinh giảm với tổng số tiền là 100.640 USD, ngoài ra còn phải chịu khoản phạt do chậm tiến độ thi công 288 ngày (ngày 15/6/2010 mới hoàn công so với tiến độ điều chỉnh là 31/8/2009) - mức phạt 25.000 USD/ngày. Do hợp đồng quy định khoản phạt này không quá 5% giá trị hợp đồng, nên nhà thầu phụ chỉ phải trả khoảng 257.000 USD và nhà thầu phụ đã xác nhận khoản phạt trong bản quyết toán gửi cho chủ đầu tư. Trừ phần phát sinh giảm và phạt chậm tiến độ, phần phát sinh tăng còn lại, BUCG đã thanh toán đủ cho nhà thầu phụ.
Đại diện nhà thầu phụ cho rằng, trong số tiền mà Công ty đòi BUCG thanh toán, còn khoản phí bảo hành. Theo hợp đồng, sau khi hoàn công, nhà thầu phụ phải bảo hành trong vòng 2 năm, phí bảo hành là 5% và được thanh toán trước 2,5%, phần còn lại sẽ thanh toán sau khi kết thúc hợp đồng.
Vẫn theo đại diện nhà thầu phụ, hệ thống PCCC của dự án được nghiệm thu, tức là phần thi công của Công ty đã xong. Đến tháng 30/3/20010 thì tất cả các phần thi công khác của Công ty cũng xong, nhưng AIC cố tình trì hoãn và đến ngày 15/6/2010 mới cấp chứng chỉ tiếp nhận công trình. Do đó, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hành là từ 30/3/2010 và đến 30/3/2012 đã kết thúc.
Trong khi đó, theo đại diện AIC, vào thời điểm 30/3/2010, phía AIC cũng như BUCG đã có nhiều văn bản nhắc nhở và thúc giục nhà thầu phụ về việc chậm tiến độ. Do đó, không thể nói là nhà thầu phụ đã hoàn công vào thời điểm 30/3/2010. Đến thời điểm trách nhiệm bảo hành kết thúc vào ngày 15/6/2012, chủ đầu tư có văn bản yêu cầu nhà thầu phụ gia hạn thời gian bảo hành thêm 6 tháng, với lý do thi công có nhiều sai sót phải sửa chữa, đến nay vẫn chưa xong. Đối với việc gia hạn thời gian bảo lãnh này, nhà thầu phụ không chấp nhận, nhưng theo BUCG, thỏa thuận về bảo lãnh trong hợp đồng cho phép chủ đầu tư được kéo dài thời gian bảo hành trong trường hợp việc sửa chữa đối với hạng mục phát sinh trong thời hạn bảo hành 2 năm chưa kết thúc. Do đó, nhà thầu phụ buộc phải chấp nhận thời hạn bảo hành kéo dài thêm 6 tháng.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cho rằng, chưa đến hạn BUCG phải thanh toán phí bảo hành và việc BUCG phạt chậm tiến độ đối với nhà thầu phụ là có căn cứ, đồng thời chấp nhận chứng cứ mà BUCG đưa ra về việc nhà thầu phụ giảm 50% giá trị gói thầu BO 29. Do đó, Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của nhà thầu phụ.