Nỗ lực cứu Vàng Phước Sơn, số phận Vàng Bồng Miêu vẫn bị bỏ ngỏ

Tập đoàn Besra, trong nỗ lực giải quyết nợ nần và cứu hai nhà máy vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (Quảng Nam) đang muốn đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp.
Hiện Besra nắm giữ 80% cổ phần tại Công ty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu. Ảnh: Hoàng Thủy Hiện Besra nắm giữ 80% cổ phần tại Công ty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu. Ảnh: Hoàng Thủy

Không chỉ là mong muốn từ phía chủ đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã hối thúc Besra phối hợp với các tổ tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để sớm thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.

Hiện Besra nắm giữ 85% cổ phần tại Phước Sơn và 80% cổ phần tại Bồng Miêu, hai mỏ vàng lớn nhất tại Việt Nam đã được phát hiện cho tới thời điểm hiện tại, với trữ lượng ước tính khoảng 20 tấn vàng. Do nợ nần quá lớn, trong đó chỉ riêng nợ thuế đã lên tới trên 384 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ, nên từ tháng 3/2015, Bersa đã công bố đàm phán bán cổ phần của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn cho một tổ chức tài chính tại Việt Nam.

Trong một bài phát biểu gửi đến các nhà đầu tư vào tháng 6/2015, ông David Seton, Chủ tịch của Besra đã chính thức xác nhận việc Ngân hàng TMCP Việt Á đang đàm phán mua lại cổ phần trong Công ty TNHH Vàng Phước Sơn. Cái tên Bồng Miêu không được nhắc tới. “Kế hoạch khởi động lại Phước Sơn đã sẵn sàng và đang đợi hoàn thiện các thỏa thuận mới của chúng tôi là Ngân hàng Việt Á”, Besra đã khẳng định như vậy.

Trước đây, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã nhắc tới kế hoạch này và cho rằng, Việt Á sẽ mua lại cả hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu. Tuy nhiên, trong văn bản được Quảng Nam gửi Thủ tướng Chính phủ cách đây ít tuần, cũng chỉ có kế hoạch tái cơ cấu Vàng Phước Sơn được nhắc tới.

Theo kết luận tại cuộc họp bàn về vấn đề tái cơ cấu Vàng Phước Sơn mới đây, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công ty đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc, sớm hoạt động trở lại để có nguồn thu trả nợ thuế, nộp ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, Quảng Nam cũng yêu cầu Công ty phải cam kết trả nợ thuế theo quy định, thuế, phí phát sinh phải nộp đầy đủ.

Việt Á Bank dù chưa lên tiếng về thương vụ này, song nhiều khả năng, là một chủ nợ của Besra, ngân hàng này không còn cách nào khác là phải tham gia tái cơ cấu Vàng Phước Sơn để thu hồi nợ. Chưa có thông tin chi tiết về thương vụ cũng như kế hoạch sau này, khi Vàng Phước Sơn được tái cơ cấu với sự tham gia của Việt Á, song phía trước vẫn là một con đường khá dài và khó khăn. Việc tái cơ cấu còn phải thông qua Thủ tướng Chính phủ. Thêm nữa, sự xuất hiện của Việt Á Bank liệu có thể đủ sức cứu nhà máy vàng đang ngập trong nợ nần hay không thì cũng chưa thể sớm có câu trả lời.

Besra nhận giấy phép khai thác mỏ Bồng Miêu năm 1997, tập trung xây dựng nhà máy và đưa vào hoạt động năm 2005. Mỏ Phước Sơn được cấp phép năm 1999 và tháng 6/2011 đi vào hoạt động.

Năm 2013, theo báo cáo của Besra, Bồng Miêu và Phước Sơn đã khai thác được hơn 60.000 ounces vàng, một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, hiện cả hai đều vướng phải nợ nần và đang dừng hoạt động, do Quảng Nam đang áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục