Chủ động, sẵn sàng
Tại Hội thảo “Tăng cường năng lực Quản trị rủi ro ngân hàng: Tầm nhìn mới từ dự thảo sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-NHNN và Thông tư 41/2016/TT-NHNN” do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức sáng ngày 16/7 tại Hà Nội, ông Phương nhận định, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế không chỉ giúp tăng cường ổn định tài chính mà còn tạo nền tảng để các TCTD phát triển bền vững và hội nhập toàn diện.
"Trong đó, việc triển khai Basel III là xu thế tất yếu, mang lại cả cơ hội và thách thức cho các ngân hàng và thị trường Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực vốn, kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng trong những tình huống xấu nhất và quản lý rủi ro thanh khoản, từ đó mở rộng cánh cửa hội nhập vào thị trường vốn quốc tế", ông Phương nói.
Quả vậy, nhìn lại việc triển khai Basel theo phương pháp Xếp hạng nội bộ (IRB) trên thế giới, ông Hà Hoàng Dũng, Thành viên Ban điều hành, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro và Tuân thủ cho biết, năm 2007-2008, Basel II IRB được triển khai đầu tiên ở các nước phát triển (EU, Anh, Hồng Kông, Nhật Bản, Canada) nơi đã khá quen thuộc với việc tuân thủ các quy định khắt khe về quản trị rủi ro. Việc triển khai Basel II tại các thị trường này bao gồm cả Phương pháp IRB cơ bản và IRB nâng cao để tính vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng. Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước ở châu Á áp dụng Basel II từ rất sớm và đến giai đoạn 2013-2015 đã chuyển sang áp dụng Basel III.
“Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ tiếp cận Basel IRB rất thận trọng và yêu cầu rất khắt khe về mô hình. Mỹ đã ban hành bộ quy tắc triển khai IRB có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 và chỉ cho phép các ngân hàng lớn áp dụng”, ông Dũng thông tin.
Còn tại Việt Nam, theo ông Dũng, mức độ sẵn sàng để triển khai Basel IRB có thể nhìn thấy ở động thái Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số và coi dữ liệu là động lực phát triển kinh tế. Bộ Công An đã chuẩn hóa Dữ liệu dân cư, tiến tới số hóa đầy đủ dữ liệu từ các bộ ngành khác. Các ngân hàng đã triển khai xác thực với Bộ Công an (khoảng 57 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học) giúp giảm thiểu rủi ro gian lận giả mạo danh tính.
Hay như CIC đã hoàn thành việc làm sạch toàn bộ dữ liệu định danh của khách hàng cá nhân với Bộ Công an và hợp nhất lịch sử tín dụng trên các giấy tờ tùy thân của khách hàng. Quy mô tín dụng bán lẻ đã đạt số lượng rất lớn, hạ tầng công nghệ hiện đại và nền tảng dữ liệu nội bộ phong phú tại các tổ chức tín dụng lớn là điều kiện cần để xây dựng các mô hình tốt. Và còn xu hướng số hóa quy trình là điều kiện đủ để các tổ chức tín dụng áp dụng các mô hình vào kinh doanh.
Ông Phương nói, về phía các ngân hàng thương mại (NHTM), trong tâm thế chủ động, sẵn sàng, nhiều NHTM đã và đang triển khai tích cực và rất nhanh các bước đi cần thiết để chuẩn hóa toàn diện quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III, hướng đến tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bền vững hơn và hội nhập toàn diện. Cụ thể như, rà soát, đánh giá chênh lệch với chuẩn mực Basel III quốc tế và các định hướng Dự thảo thông tư của NHNN để xây dựng lộ trình triển khai; đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn và nâng cao chất lượng nguồn vốn; Tăng cường số hóa và củng cố hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu chất lượng; triển khai các mô hình vốn nội bộ; chuẩn hóa công bố thông tin; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,...
Đáng chú ý, thời gian qua, NHNN đã và đang tích cực xây dựng khung pháp lý mới nhằm luật hóa các yêu cầu cốt lõi trong Basel III trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thông qua hai dự thảo thông tư quan trọng: một là, Dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM và hai là, Dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM.
Dẫu vậy, ông Phương nhận định, vẫn còn một số thách thức các NHTM Việt Nam sẽ phải đối diện khi triển khai Basel III như nguồn vốn để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn cũng như các mức đệm dự phòng theo chuẩn mực mới; dữ liệu định lượng chất lượng cao; chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cấu trúc nguồn vốn để phù hợp với việc áp dụng các tỷ lệ thanh khoản theo Basel III...
|
Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Rủi ro, Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo |
Kiến nghị và đề xuất
Ông Nguyễn Văn Thịnh, chuyên gia cấp cao triển khai Basel IFRS cấp 1, Ban Quản lý rủi ro BIDV đề xuất: về lộ trình triển khai cần phân nhóm ngân hàng theo quy mô, lộ trình áp dụng theo giai đoạn, khuyến khích các ngân hàng lớn tiên phong thử nghiệm. Cần thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu ngành và dữ liệu kinh tế vĩ mô nhằm chuẩn hóa dữ liệu để các ngân hàng có thể dùng chung; bổ sung hướng dẫn về hạch toán dữ liệu tổn thất. Sớm ban hành hướng dẫn chi tiết đối với các nội dung phức tạp như về xây dựng, kiểm định mô hình… Phối hợp với tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB tổ chức khóa đào tạo, hội thảo chuyên sâu
Đại diện Techcombank, bà Lê Hồng Hạnh, Giám đốc cao cấp Quản trị và Giám sát Chính sách quản trị rủi ro toàn hàng - Khối Quản trị rủi ro đề xuất, xây dựng hướng dẫn chi tiết về phương pháp đo lường cũng như các yêu cầu tối thiểu của phương pháp xếp hạng nội bộ để TCTD có thể áp dụng một cách đồng nhất và hiệu quả. Đối với các nội dung có khác biệt với các nguyên tắc từ Basel, cần đảm bảo tính phù hợp và an toàn thị trường cũng như tính cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế
Bên cạnh đó, thiết lập tiêu chuẩn dữ liệu: áp dụng linh hoạt các yêu cầu về độ dài dữ liệu lịch sử trong giai đoạn đầu triển khai, đồng thời thiết kế bộ tiêu chuẩn dữ liệu dùng chung trong toàn ngành để hỗ trợ các ngân hàng chuẩn hóa và đối chiếu dữ liệu hiệu quả hơn. Có chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với các ngân hàng áp dụng tính vốn theo phương pháp xếp hạng nội bộ để khuyến khích các ngân hàng đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho tính vốn và áp dụng kết quả tính vốn trong thực tiễn kinh doanh. Các ngân hàng áp dụng các chuẩn mực mới về quản trị rủi ro sẽ giúp tăng cường ổn định tài chính vĩ mô, thúc đẩy hội nhập quốc tế
“Cấp phép triển khai sớm Basel III: đặc biệt đối với các ngân hàng có mức độ đáp ứng cao, 1 đến 2 năm (tương tự một vài thị trường phát triển ở Đông Nam Á) thay vì thời hạn áp dụng từ 2 đến 3 năm như dự thảo hiện nay, điều này giúp rút ngắn thời gian và chi phí vận hành song song nhiều hệ thống, cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của các ngân hàng trên thị trường quốc tế”, bà Hạnh nói.
Ở góc độ ngân hàng nước ngoài, bà Châu Tố Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ICBC - Chi nhánh Hà Nội - Ủy viên Uỷ ban rủi ro, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị giải quyết vấn đề “cơ chế báo cáo kép” của các ngân hàng có vốn nước ngoài (ngân hàng con và Chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn cốt lõi, cho phép các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được áp dụng các mô hình của Hội sở, triển khai kiểm tra sức chịu đựng theo tiêu chuẩn quốc tế (đặc biệt là với rủi ro hoạt động cần phải sử dụng đến dữ liệu lớn). Đối với các mô hình của Hội sở, vẫn cần báo cáo NHNN. Đẩy mạnh thúc đẩy các tổ chức uy tín xây dựng tiêu chuẩn thống nhất toàn cầu, đặc biệt về lĩnh vực ESG, Hiệp hội tài chính quốc tế có thể xây dựng quy tắc phân loại và tiêu chuẩn thống nhất toàn cầu đối với ngân hàng, giảm biết sự khác biệt giữa các khu vực và thị trường.
“Tiếp tục không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro toàn diện để nâng cấp năng lực quản lý rủi ro của toàn hệ thống tài chính: Nhấn mạnh tư duy quản lý rủi ro toàn diện, quy định trực tiếp các loại rủi ro mới, rủi ro phi tài chính như rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro quốc gia vào hệ thống quản lý rủi ro toàn diện của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, bà Phương nhấn mạnh.