6 tháng đầu năm, huy động vốn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (mới) tăng 8,3%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đến cuối tháng 6/2025, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (mới) đạt 452 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm trước.
6 tháng đầu năm, huy động vốn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (mới) tăng 8,3%

Đây là tốc độ trưởng tích cực, gắn liền với cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng, lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và quá trình khai thác và sử dụng vốn của các TCTD trên địa bàn. Tăng trưởng huy động vốn trên địa bàn, cùng với các nguồn vốn khác, góp phần đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh khu vực 2, đến cuối tháng 6/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (số liệu thực tế) đạt 577,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2024, phù hợp với xu hướng tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành là 9,9%).

Tiền gửi tiết kiệm dân cư tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và đạt khoảng trên 234 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 51% tổng tiền gửi trên địa bàn. Đây là bộ phận tiền gửi chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tiền gửi (cao hơn bộ phận tiền gửi của tổ chức kinh tế & cá nhân và TCTD phát hành giấy tờ có giá).

Với bản chất là tiền gửi tiết kiệm, tích lũy của người dân, vì vậy bộ phận tiền gửi này tương đối ổn định, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, nhất là các nhu cầu vốn trung dài hạn, để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Đồng thời, cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN, sự ổn định kinh tế vĩ mô và chất lượng dịch vụ tiền gửi tốt, đa dạng và phong phú…, tiếp tục là các yếu tố thu hút tiền gửi vào ngân hàng.

Trong đó, việc kết hợp linh hoạt giữa kỳ hạn tiền gửi và lãi suất, cùng với tiện ích của sản phẩm nhờ ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại trong thanh toán và các giải pháp mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế… đã thu hút tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn vào hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Theo đó, tổng tiền gửi không kỳ hạn trên địa bàn tỉnh Đồng nai chiếm khoảng 26% tổng tiền gửi.

Kết quả này không chỉ mang lại ý nghĩa và hiệu quả của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn tác động tích cực vào hiệu quả khai thác và sử dụng vốn của các TCTD trên địa bàn, nhờ chi phí sử dụng vốn thấp và những lợi ích từ hoạt động tiền gửi.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục