
Huy động vốn sụt giảm, ngân hàng lo lãi suất tăng
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 1/2025, huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm (giảm 0,75% so với cuối năm 2024). Trong tháng đầu năm, dù tiền gửi dân cư vẫn tăng thêm 123.000 tỷ đồng, song không thể bù đắp được mức sụt giảm tới 233.000 tỷ đồng của tổ chức kinh tế (giảm 3,04% so với tháng trước đó). Như vậy, sau 5 tháng tăng liên tiếp, huy động vốn từ tổ chức kinh tế đã ghi nhận sụt giảm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho biết, ngân hàng này đã rất nỗ lực huy động vốn trở lại từ đầu năm 2025 đến nay nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Quan sát của ngân hàng cũng cho thấy, một lượng tiền gửi đang dịch chuyển sang vàng, bất động sản.
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), đến ngày 25/3/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Như vậy, tính tới ngày 25/3, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng. Đến thời điểm này, con số chênh lệch có thể cao hơn.
Vàng liên tục phá đỉnh lịch sử, bất động sản tăng giá phi mã từ đầu năm đến nay, trong khi lãi suất tiết kiệm đứng ở mức thấp, khiến nhiều người sốt ruột. Hội chứng Fomo (tâm lý sợ bỏ lỡ) khiến nhiều người chuyển từ gửi tiết kiệm sang vàng, đất, bất chấp rủi ro.
Trong báo cáo vừa gửi tới Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, mặt bằng lãi suất đứng trước nhiều sức ép trong thời gian tới.
Thứ nhất, lãi suất cho vay giảm sâu thời gian qua.
Thứ hai, nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dự kiến gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể bị ảnh hưởng và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác, như bất động sản, vàng, thị trường chứng khoán.
Thứ ba, mặt bằng lãi suất thế giới có xu hướng giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức cao và thị trường tài chính toàn cầu khó đoán định sau khi Mỹ áp thuế đối ứng lên các quốc gia.
Tính từ khi Ngân hàng Nhà nước họp với các ngân hàng thương mại (ngày 25/2/2025) đến đầu tháng 4/2025, có 26 ngân hàng hạ lãi suất huy động với mức giảm 0,1-1,05%, tùy từng kỳ hạn. Dù vậy, tính bình quân, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa giảm đáng kể. Theo đó, lãi suất suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3/2025 chỉ giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2024.
Cấp tập tăng vốn, huy động trái phiếu để có nguồn cho vay
Lãi suất huy động sẽ tăng ở một số thời điểm, song năm nay, lãi suất kỳ vọng vẫn duy trì ở mức thấp. Tôi cho rằng, năm nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cơ bản ổn định nhờ NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công tăng mạnh và vốn FDI được duy trì. Ngoài ra, rủi ro thị trường tài chính quốc tế và trong nước gia tăng có thể khiến dòng tiền tìm tới kênh tiền gửi như là kênh an toàn.
- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, năm 2025, áp lực lãi suất với Ngân hàng Nhà nước và hệ thống tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ lớn hơn năm ngoái.
“Lãi suất huy động đã tăng nhẹ từ năm ngoái và hiện vẫn có xu hướng tăng”, ông Bình nhận định.
Mặc dù mặt bằng lãi suất tại VietinBank vẫn được kiểm soát, song lãnh đạo VietinBank cho rằng, với diễn biến lãi suất hiện nay, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng năm 2025 sẽ chịu áp lực giảm. Nguyên nhân là chi phí vốn có xu hướng tăng, trong khi ngân hàng tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, ngành ngân hàng cho vay ra nền kinh tế nhiều hơn số dư huy động, phần thiếu hụt phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước.
Trong bối cảnh cần vốn để mở rộng tăng trưởng, nhiều ngân hàng rầm rộ tăng vốn với tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu cao kỷ lục. Chẳng hạn, Vietcombank chốt tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 49,5%. Con số này tại VietinBank là 44,64%, tại MSB là 20%.
Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, hầu hết ngân hàng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn khủng, như MB chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32%, giúp tăng vốn điều lệ. NCB đã được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng thông qua việc chào bán 700 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 59,42% vốn điều lệ NCB tại thời điểm chào bán. VietABank trình kế hoạch tăng vốn lịch sử (tăng 115%, từ 5.399,6 tỷ đồng lên 11.582,4 tỷ đồng…
Ngoài ra, các nhà băng cũng rầm rộ phát hành trái phiếu để huy động vốn. Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính từ đầu năm đến giữa tháng 4/2025, phát hành trái phiếu đạt 41,621 tỷ đồng, trong đó, hơn 60% giá trị thuộc nhóm ngân hàng.
Chuyên gia phân tích FiinGroup cho rằng, dù nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cổ phần (vốn cấp 1), song việc tăng vốn cấp 1 mất rất nhiều thời gian và phụ thuộc vào tình hình thị trường chứng khoán. Do đó, các ngân hàng sẽ vẫn mạnh tay phát hành trái phiếu trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng cũng như đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 1/2025, dù huy động vốn từ dân cư và tổ chức tín dụng giảm, song tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống vẫn tăng 1,46%. Điều này cho thấy, phát hành giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng tiếp tục gia tăng trong bối cảnh huy động vốn có dấu hiệu sụt giảm.