Báo cáo của Ngân hàng Thế giới dự báo, với mức nợ công hiện nay là 62,5% thì năm 2016 nợ công của Việt Nam có thể tăng lên mức 63,8%; năm 2017 tăng lên 64,4% và năm 2018 có thể ở mức 64,7%. Như vậy, nợ công đã tiến sát tới ngưỡng an toàn.
Đánh giá về các khoản nợ công ở Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các khoản này chủ yếu là vay nợ ngắn hạn nên sẽ tạo áp lực cho ngắn hạn trong việc trả nợ. Tuy nhiên, với mức nợ công khoảng 62% GDP thì vẫn đảm bảo và không gây khó khăn nhiều cho việc trả nợ.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, hiện nay nợ công của Việt Nam đã áp sát trần và vượt 50% so với trần GDP. Theo dự báo, đến năm 2018 nợ công của Việt Nam về tổng thể quy mô cũng như các yếu tố cấu thành vẫn có xu hướng gia tăng, thậm chí áp rất sát so với trần mà Chính phủ đặt ra.
Với khả năng trả nợ thì hiện nay phần trả nợ gốc và trả nợ lãi vẫn trông chờ vào phần chi của ngân sách Nhà nước, trong bối cảnh chi ngân sách Nhà nước khó tăng, vừa do điều hành của Chính sách kinh tế, vừa do những hạn chế trong khả năng khai thác nguồn thu. Việc gia tăng cả gốc, cả lãi như vậy làm cho cơ cấu ngân sách Nhà nước đang chuyển dịch theo hướng tiêu cực.
Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, với mức nợ công như vậy, Việt Nam vẫn có thể trả nợ 100%: “Việt Nam vẫn có khả năng trả đầy đủ các khoản nghĩa vụ nợ, kể cả nợ gốc cũng như nợ lãi. Chúng ta phải lưu ý, điểm thứ nhất, trả nợ này sẽ có xu hướng gia tăng, trả nợ gốc và lãi cho những khoản đã đến hạn. Do đó nó gắn với việc chúng ta cơ cấu lại đặc biệt liên quan đến tiết kiệm chi thường xuyên, gắn với cải cách thủ tục hành chính. Cùng với đó chúng ta vẫn phải thực hiện nhiệm vụ về việc quản lý hiệu quả hơn trong phần chi đầu tư; Tăng cường trách nhiệm của những địa phương sử dụng các khoản vay nợ đó trong nghĩa vụ về trả nợ, đồng thời tiến hành cơ cấu lại nợ”.