“Nợ công tăng cao, khi cuối năm 2015 tăng lên 62,2% GDP. Đáng chú ý là nợ Chính phủ đã lên đến 50,3% GDP, vượt mức Quốc hội cho phép là 50% GDP…”, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, quan ngại.
Đang có những ý kiến trái chiều về ngưỡng nợ công bao nhiêu là an toàn và không an toàn. Thực tế trên thế giới cho thấy, có những nước nợ công lên đến 100 - 200% GDP, thậm chí cao hơn nữa, điển hình như Nhật Bản vẫn được coi là an toàn, nhưng có những nước nợ công thấp vẫn không an toàn.
Vấn đề nợ công an toàn hay không, theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, nằm ở khả năng trả nợ của ngân sách, ở sử dụng vốn đầu tư hiệu quả đến đâu, đến kỷ luật chi tiêu ngân sách…
Từ những yếu tố ấy mà mỗi quốc gia định ra một ngưỡng để kiểm soát nợ công ở mức nào là an toàn và không an toàn.
Sẽ không có nhiều cái nhìn quan ngại về tỷ lệ nợ công tăng cao và tăng nhanh như hiện tại, nếu sử dụng vốn ngân sách mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy sự quan ngại là có lý do.
“Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đầu tư 40.000 tỷ đồng. Do đầu tư không đồng bộ, nên đến nay theo báo cáo chỉ có 20% khai thác được, đồng nghĩa với 80% (tương đương với 32.000 tỷ đồng) chưa sử dụng được. Rõ ràng đầu tư không hiệu quả. Chúng ta đầu tư lãng phí lớn. Ví dụ như đầu tư 1.000 tỷ đồng vào đường sắt du lịch ở Quảng Ninh, nhưng mỗi ngày chỉ bán được 1 vé…”, đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thường (Thái Bình) chứng minh sự kém hiệu quả, lãng phí trong đầu tư công, dẫn đến đe dọa tính an toàn của nợ công trong bối cảnh đang tăng cao.
Cũng với quan ngại tương tự, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) cho rằng, hiện nợ công đã ở mức báo động cao. Sự tích lũy nợ công tăng nhanh những năm gần đây cho thấy sự liên quan lớn giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và nợ công tăng. Trung bình mỗi năm, tổng nợ công tăng thêm 2%/GDP, tăng 4% trong năm 2015 - đây là năm kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách với tốc độ đáng quan ngại. Đây là hệ quả của việc sau một thời gian dài liên tục đi vay nhiều, nhưng đầu tư kém hiệu quả.
Để tránh rủi ro mất an toàn nợ công, các đại biểu Quốc hội đề nghị thời gian tới, việc giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, giảm nợ công gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư, quyết liệt trong “nói không” với đầu tư dàn trải, lãng phí, cần được Chính phủ coi là vấn đề cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm. Một khi quyết sách này được thực thi triệt để, thì sẽ đạt được mục tiêu kép: vừa kiểm soát nợ công tăng ở mức hợp lý để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả cho các dự án đầu tư, để từ đó có nguồn cho trả nợ.