Mục tiêu phát triển KTXH tổng quát năm 2016 được Quốc hội đặt ra là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững...
Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng là một trong những mục tiêu phát triển KTXH năm tới.
Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng là những nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Quốc hội đặt ra cho Chính phủ thực hiện trong năm 2016.
Trước khi thông qua toàn văn Nghị quyết về Phát triển KTXH năm 2016, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2016. Theo đó, GDP tăng 6,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu dưới 5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới (CPI) 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%...
Để đạt được các mục tiêu cơ bản và chỉ tiêu chủ yếu, Quốc hội đã đặt ra 9 nhóm giải pháp, trong đó yêu cầu Chính phủ điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài. Ngoài ra, phải nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung và dài hạn với lãi suất phù hợp.
Về chính sách tài khóa, Quốc hội yêu cầu năm 2016, Chính phủ phải tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ, theo hướng chi đầu tư tăng nhanh hơn; xử lý cơ bản nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh thêm nợ mới; kiên quyết xử lý và thu hồi nợ đọng thuế, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán và chi chuyển nguồn, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, bảo đảm kỷ luật, kỷ cươngtài chính, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán; huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển…
Với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tương đương 31% GDP, ước khoảng 1.587.750 tỷ đồng (năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện đạt 30,5% GDP), thì năm 2016, ngân sách nhà nước sẽ phải đầu tư 255.750 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu chính phủ 60.000 tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 65.000 tỷ đồng (chưa kể vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 160.000 tỷ đồng). Như vậy, tổng nguồn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước năm 2016 là 380.750 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 40.750 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước tăng tới 60.750 tỷ đồng.
Với mức đầu tư công tiếp tục tăng mạnh, nên mặc dù đồng ý với Nghị quyết, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan ngại về bội chi ngân sách năm 2016 vẫn ở mức 4,95% GDP và nợ công vào thời điểm cuối năm 2016 sẽ lên tương đương 63,2% GDP, thay vì 61,3% GDP vào thời điểm cuối năm 2015.
“Năm 2016, bội chi ở mức 4,95% GDP, giảm 0,05% so với dự toán năm 2015, nhưng quy mô nền kinh tế lớn hơn, nên số bội chi tuyệt đối là 254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015. Cứ đà này, nợ công sẽ tiếp tục nâng cao. Đây là những con số đáng báo động, đặt gánh nặng lên nền kinh tế và ngân sách nhà nước trong bối cảnh tình hình và thế giới đang có những diễn biến phức tạp, bóng đen suy thoái đang hiện hình ở một số nền kinh tế lớn và có khả năng tác động đến toàn cầu. Nếu nợ công tăng quá cao, gây những hệ lụy khó lường cho nền kinh tế”, đại biểu Phùng Đức Tiến khuyến cáo.
Liên quan vấn đề này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, năm 2010, nợ công tăng 27%, các năm tiếp theo năm nào cũng tăng. Sức ép trả nợ ngày càng tăng, nên bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam đã phải vay để đảo nợ và số tiền vay đảo nợ cũng ngày càng lớn (năm 2014 là 70.000 tỷ đồng và năm 2015 là 125.000 tỷ đồng).
“Để giảm bội chi, giảm nợ công, giảm việc vay đảo nợ, cần phải tăng cường hơn nữa kỷ cương đầu tư, kỷ luật tài chính; thống kê đầy đủ, chính xác các khoản nợ công và nợ có tính chất công; giám sát chặt chẽ việc sử dụng, hiệu quả sử dụng vốn, nhất là vốn đi vay và cũng chuẩn bị phương án để khi kịch trần nợ công không bị lúng túng”, ông Hùng khuyến nghị.