Qua sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét cơ chế phân bổ vốn đầu tư công.
Theo đề xuất của UBND TP. Hải Phòng, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị Thành phố rộng 324 héc-ta, nằm trên các xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động (huyện Thủy Nguyên) và phường Minh Khai (quận Hồng Bàng). Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 9.894 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương gần 6.855 tỷ đồng, còn lại là ngân sách TP. Hải Phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến 2020. Đến nay, Thành phố đã hoàn thành một số phần việc, như tổ chức khảo sát hiện trạng khu vực xây dựng dự án; xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thành phố đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tập trung triển khai.
Trong bối cảnh nợ công đang ngày một tăng cao và nguồn thu ngân sách đang chịu tác động nặng nề từ việc giá dầu giảm cũng như thách thức cắt giảm nhiều dòng thuế theo cam kết hội nhập, nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ đề xuất này. Theo TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, kể cả địa phương có nguồn thu lớn cũng không nên theo phong trào xây trụ sở cơ quan hành chính, gây nhiều lãng phí. Chỉ nên đầu tư vào những công trình thực sự cần thiết như cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước.
Dự án trên nếu được phê duyệt sẽ là dự án đầu tư công với nguồn vốn từ ngân sách không hề nhỏ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng bày tỏ lo ngại, “chúng ta không có cạnh tranh, đánh đổi giữa các nhu cầu, yêu cầu khác nhau, qua đó, lựa chọn và tập trung vào các nhu cầu ưu tiên và hiệu quả cao nhất. Không có thước đo hay giá của sử dụng vốn đầu tư nhà nước để sàng lọc, chọn cái tốt nhất trong số các nhu cầu, dự án khác nhau. Việc phê duyệt dự án và phân bổ vốn đầu tư vẫn nặng về “xin - cho - chia” và không bên nào bị ràng buộc trách nhiệm về hiệu quả quản lý và sử dụng vốn; không bị trừng phạt do sử dụng vốn lãng phí, kém hiệu quả”.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra hệ quả của cách thức phân bổ vốn đầu tư nhà nước như vậy đối với nền kinh tế là hết sức nặng nề. Nó tạo ra chênh lệch lớn giữa nhu cầu về vốn và khả năng đối vốn. Để có thêm vốn, buộc phải tăng thu, làm suy giảm nguồn thu cho dài hạn; thâm hụt ngân sách cao và luôn có áp lực gia tăng. Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy bán và khai thác tối đa đất đai và tài nguyên khác để tăng thu ngân sách cũng rất lớn; làm gia tăng nguy cơ tài nguyên nhanh chóng bị khai thác cạn kiệt và sử dụng lãng phí, ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng.
"Việc phê duyệt dự án và phân bổ vốn đầu tư vẫn nặng về “xin - cho - chia” và không bên nào bị ràng buộc trách nhiệm về hiệu quả quản lý và sử dụng vốn; không bị trừng phạt do sử dụng vốn lãng phí, kém hiệu quả"
Bên cạnh đó, để có thêm vốn đầu tư, ngoài tăng bội chi ngân sách, Chính phủ và chính quyền địa phương phải huy động thêm vốn thông qua phát hành trái phiếu. Trái phiếu chính phủ khối lượng lớn làm cho lãi suất thị trường cao một cách méo mó; làm giảm nguồn cung tín dụng và đầu tư cho khu vực kinh tế khác. Nguồn vốn khan hiếm và chi phí vốn trên thị trường cao là những yếu tố trực tiếp tác động đến đầu tư và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Tại diễn đàn Quốc hội đang diễn ra, đã có không ít đại biểu bày tỏ lo ngại về vấn đề nợ công và tình trạng vay nợ nước ngoài. Để có tiền trả nợ và có thêm vốn để đầu tư, Việt Nam có thể phải gia tăng vay nợ nước ngoài. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ lệ thuộc của nền kinh tế và làm cho nền kinh tế trở nên rủi ro hơn, dễ bị tổn thương hơn trước các biến động bất lợi từ bên ngoài.
Tập trung nguồn lực để đầu tư và trả nợ xây dựng cơ bản Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh Trước thông tin cho rằng nhiều địa phương có đề án xây dựng trung tâm hành chính nghìn tỷ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, tinh thần chung là phải tiết kiệm triệt để, tập trung nguồn để đầu tư và thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Kể cả nguồn mà địa phương tự cân đối được. Muốn xây dựng trụ sở hay bất cứ công trình gì thì điều quan trọng nhất là địa phương phải cân đối được nguồn. Nghĩa là địa phương, bộ, ngành phải cân đối được nguồn đảm bảo thì mới được xây dựng, kể cả nguồn Trung ương cũng phải được Trung ương đồng ý mới quyết định được. Luật Đầu tư công hiện hành quy định rõ nguyên tắc như vậy, không có chuyện địa phương quyết định rồi Trung ương phải chi đầu tư. Trước đây, khi chưa có Luật Đầu tư công thì Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu (năm 2011) cũng đã quy định điều này rất chặt. Thậm chí, nếu có sử dụng vốn ngân sách Trung ương nhiều thì dự án phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định cả tổng mức đầu tư dự án. Sau khi thẩm định, nếu Trung ương đồng ý cấp cho phần chênh lệch thì mới được làm. |