Một ngày sau khi Cụ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo, nền kinh Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức mạnh mẽ nhất trong gần 40 năm sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kết thúc, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt ngưỡng 1,75% trong phiên đêm qua, đạt mức cao nhất trong 14 tháng. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm có thời điểm cũng tăng 6 điểm cơ sở, vượt mốc 2,5% lần đầu tiên kể từ tháng 8/2019.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu kéo nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc. Cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác đặc biệt nhạy cảm khi lợi suất tăng, vì giá trị của chúng chủ yếu dựa vào thu nhập trong tương lai, vốn giảm sâu hơn khi lợi suất trái phiếu tăng. Cổ phiếu Apple và Amazon đều giảm hơn 3% trong phiên.
Trong khi đó, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăng vào tuần trước. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng 45.000 đơn lên mức 770.000 trong tuần kết thúc vào ngày 13/3, cao hơn so với mức 700.000 đơn được dự báo bởi các chuyên gia trước đó.
Mặc dù vậy, số đơn xin trợ cấp thấy nghiệp lần đầu bình quân trong bốn tuần ghi nhận 746.250 đơn, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng và cho thấy xu hướng biến động tích cực trên thị trường lao động.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh được cải thiện kết hợp với chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp đang thúc đẩy sản xuất, đưa nền kinh tế Mỹ vào đà tăng trưởng nhanh nhất ghi nhận trong 37 năm trong năm nay.
Chỉ số sản xuất của Fed khu vực Philadelphia tăng vọt lên mức 51,8 điểm trong tháng 3 từ mức 23,1 điểm trong tháng 2, mức cao nhất kể từ năm 1973 và cao hơn rất nhiều so với dự báo 22,0 từ giới phân tích.
Kết thúc phiên 18/3, chỉ số Dow Jones giảm 153,07 điểm (-0,46%), xuống 32.862,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 58,66 điểm (-1,48%), xuống 3.915,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 409,03 điểm (-3,02%), xuống 13.116,17 điểm.
Chứng khoán châu Âu phủ sắc xanh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, được thúc đẩy bởi những tuyên bố mới nhất của Fed hôm 17/3. Thị trường hào hứng đón nhận cam kết giữ lãi suất ở mức thấp mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tăng vọt trong thời gian tới của các nhà hoạt định chính sách Washington.
Đặc biệt, chứng khoán Đức lập đỉnh mới trong phiên đêm qua nhờ tình hình kinh doanh khởi sắc của các nhà sản xuất ô tô nước này.
Kết thúc phiên 18/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 17,1 điểm (+0,25%), lên 6.779,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 178,91 điểm (+1,23%), lên 14.775,52 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 7,97 điểm (+0,13%), lên 6.062,79 điểm.
Chứng khoán châu Á leo dốc trong phiên ngày thứ Tư. Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt với chỉ số Topix chạm mức cao nhất trong 30 năm, được thúc đẩy bởi việc Fed cam kết giữ lãi suất thấp.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm, nhờ đà đi lên của nhóm cổ phiếu tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe, sau khi Fed cam kết duy trì chính sách tiền tệ phù hợp và dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh trong năm nay.
Tương tự, chứng khoán Hồng Kông và chứng khoán Hàn Quốc cũng nhận được trợ lực từ Fed.
Kết thúc phiên 18/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 302,42 điểm (+1,01%), lên 30.216,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,52 điểm (+0,51%), lên 3.463,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 371,60 điểm (+1,28%), lên 29.405,72 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 18,51 điểm (+0,61%), lên 3.066,01 điểm.
Giá vàng phiên đêm qua quay đầu giảm trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất ghi nhận được từ tháng 1/2020 và đồng USD mạnh lên. Giá vàng đã không thể kéo dài đà phục hồi sang phiên thứ hai liên tiếp, bất chấp dòng tiền rút lui khỏi thị trường rủi ro.
Kết thúc phiên 18/3, giá vàng giao ngay giảm 9,00 USD (-0,52%), xuống 1.736,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 5,40 USD (+0,31%), xuống 1.732,50 USD/ounce.
Giá dầu lao dốc mạnh trong phiên ngày thứ Năm, ghi nhận phiên giảm thứ năm liên tiếp và mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ mùa hè năm ngoái do lo ngại ngày càng tăng về tình hình đại dịch Covid-19 có dấu hiện tăng trở lại ở châu Âu và đồng USD mạnh lên.
Một số nền kinh tế lớn ở châu Âu đã phải áp dụng lại các biện pháp sau khi các ca nhiễm mới bất ngờ tăng trở lại trong những ngày gần đây, trong khi các chương trình tiêm chủng đang chậm lại do lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca đang được phân phối rộng rãi ở châu Âu.
Kết thúc phiên 18/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 4,6 USD (-7,1%) xuống 60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 4,72 USD (-6,9%) xuống 63,28 USD/thùng.