Giới đầu tư vỡ oà trong niềm vui

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Fed mang lại niềm vui cho phố Wall trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/3).
Giới đầu tư vỡ oà trong niềm vui

Chứng khoán Mỹ phiên đêm qua dồn sự chú ý vào kết quả cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed và kết quả này đúng với mong đợi của các nhà đầu tư.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã bỏ phiếu quyết định duy trì ổn định lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức gần 0%, đồng thời tiếp tục chương trình mua tài sản, trong đó Fed sẽ mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng.

7 trong số 18 quan chức Fed cũng đưa ra quyết định tăng lãi suất vào năm 2023, trong khi có 4 quan chức muốn ​tăng lãi suất vào năm 2022.

FOMC cũng khẳng định, họ sẽ đặt mục tiêu đạt lạm phát ở mức vừa phải trên 2% trong một thời gian nữa và kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn được duy trì ở mức 2%. Các quan chức Fed tin rằng lạm phát sẽ lên tới 2,1%, cao hơn mức lạm phát mục tiêu 2% của họ vào năm 2023.

Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa nhấn mạnh, Fed sẵn sàng chờ đợi và hoan điều chỉnh chính sách ôn hòa của mình cho đến khi thị trường lao động phục hồi, đồng thời ông cũng cho biết thêm rằng Mỹ vẫn còn thiếu hơn 9,5 triệu việc làm so với mức trước đại dịch.

Ngoài ra, Fed cũng đưa ra dự báo kinh tế khả quan hơn, theo đó, cơ quan này dự đoán mức tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay là 6,5% do tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Sau tuyên bố trên của Fed, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống còn 1,6603%, sau khi trước đó trong phiên này đã có thời điểm chạm mức 1,689%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.

Theo giới phân tích, thị trường đã lo ngại Fed sẽ thay đổi quan điểm của mình một cách mạnh mẽ, song những tuyên bố của Fed khá gần với những gì được mong đợi.

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số Dow Jones tăng 189,42 điểm (+0,58%), lên 33.015,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,41 điểm (+0,29%), lên 3.974,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 53,63 điểm (+0,40%), lên 13.525,20 điểm.

Chứng khoán châu Âu hầu hết giảm điểm trong phiên ngày thứ Tư khi nhà đầu tư đứng ngoài quan sát những động thái về chính sách mới nhất từ Fed.

Tại Đức, cố phiếu của nhà sản xuất ô tô nổi tiếng BMV tăng vọt sau khi thông báo lợi nhuận của hãng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,94 điểm (-0,60%), xuống 6.762,67 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 39,03 điểm (+0,27%), lên 14.596,61 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 0,61 điểm (-0,01%), xuống 6.054,82 điểm.

Chứng khoán châu Á ảm đạm trong phiên ngày thứ Tư. Chứng khoán Nhật Bản gần như không đổi khi đà tăng của lĩnh vực công nghệ đã bù đắp lợi cho sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ và cũng bởi sự chờ đợi của giới đầu tư đối với thông tin kết quả cuộc họp lãi suất của Fed.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, và diễn biến cũng chủ đạo là giằng co nhẹ, khi giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do hầu hết các nhà đầu tư đứng ngoài trước khi có kết quả cuộc họp chính sách của Fed.

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 6,76 điểm (-0,02%), xuống 29.914,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,18 điểm (-0,03%), xuống 3.445,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 6,43 điểm (+0,02%), lên 29.034,12 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 19,67 điểm (-0,64%), xuống 3.047,50 điểm.

Giá vàng phiên đêm qua hồi phục mạnh sau khi những tuyên bố mới nhất của Fed khiến lãi suất trái phiếu Mỹ giảm. Song, đà hồi phục của vàng bị kìm hãm bởi dòng tiền đổ vào chứng khoán tăng mạnh.

Kết thúc phiên 17/3, giá vàng giao ngay tăng 14,20 USD (+0,82%), lên 1.745,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 3,80 USD (-0,22%), xuống 1.727,10 USD/ounce.

Giá dầu kéo dài đà giảm sang phiên giao dịch ngày thứ tư khi dữ liệu mới nhất cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ đang tăng, đồng thời tình hình tiêm chủng vắc-xin tại châu Âu gặp trục trặc dấy lên lo ngại về đà phục hồi kinh tế tại đây. Đà giảm được hạn chế vào cuối phiên nhờ những tuyên bố tích cực mới nhất của Fed.

Một loạt quốc gia Châu Âu đã dừng sử dụng vắc-xin AstraZeneca do lo lắng về tác dụng phụ. Số ca nhiễm virus ở Đức đang gia tăng, Ý áp đặt phong tỏa trên toàn quốc dịp lễ Phục sinh và Pháp có kế hoạch thực hiện các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn.

Mặt khác, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 2,4 triệu thùng trong tuần trước, đánh dấu tăng tuần thứ 4 liên tiếp sau khi hoạt động lọc dầu ở miền Nam nước này bị cản trở bởi thời tiết lạnh khắc nghiệt trong tháng trước. Các công ty đang dần khôi phục cơ sở và sẽ trở lại hoạt động hoàn toàn trong vài tuần tới.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo hàng tháng rằng đà tăng giá dầu khó có thể mạnh và bền vững, đồng thời dự báo nhu cầu không thể trở lại mức trước đại dịch cho tới năm 2023.

Kết thúc phiên 17/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,20 USD (-0,3%) xuống 63,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,39 USD (-0,6%) xuống 68,00 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ