Thứ Ba, chứng khoán Mỹ giao dịch một cách thiếu định hướng trong phần lớn thời gian trong phiên. Sau chuỗi phiên leo dốc liên tiếp, lo ngại về nền kinh tế phát triển quá nóng và lợi suất trái phiếu tăng gần đây khiến sự quan tâm dành cho cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed tăng lên, bắt đầu từ thứ Ba. Các nhà hoạch định chính sách được cho là sẽ nâng dự báo kinh tế và lặp lại cam kết duy trì chính sách hiện tại trong tương lai gần.
“Cuộc họp của Fed lần này là một trong những cuộc họp quan trọng nhất đối với thị trường sau quãng thời gian dài ổn định, đánh dấu lần đâu tiên cuộc họp diễn ra sau khi tỷ lệ lạm phát tăng và lo ngại về lạm phát bao trùm thị trường”, Tom Martin, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt Investments, nhận định.
Chỉ số VIX (CBOE Volatility Index), thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall chạm 19,68 điểm, mức thấp nhất trong 5 tuần. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 1,62% trong phiên.
Về dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ công bố, doanh số bán lẻ tại Mỹ ghi nhận giảm 3% trong tháng 2, mức giảm nhiều hơn dự báo của giới chuyên gia do thời tiết lạnh giá bao trùm khắp cả nước. Thời tiết khắc nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng của các nhà máy ở Mỹ vào tháng trước. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong tháng 1 đã được điều chỉnh tăng từ 5,3% lên 7,6%
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Dow Jones giảm 127,51 điểm (-0,59%), xuống 32.825,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,23 điểm (-0,16%), xuống 3.962,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 11,86 điểm (+0,09%), lên 13.471,57 điểm.
Sắc xanh bao phủ chứng khoán Châu Âu trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Dữ liệu kinh tế tích cực đã thúc đẩy thị trường trong khi các nhà đầu tư chờ đợi quan điểm của Fed về đà tăng gần đây của lạm phát.
Dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát trong tháng Hai của Pháp tăng ở mức phù hợp với dự báo. Trong khi đó, Viện nghiên cứu kinh tế châu Âu (ZEW) cho biết, tâm lý nhà đầu tư ở Đức đã được cải thiện đáng kể trong tháng 3, củng cố triển vọng phục hồi trên diện rộng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tuy nhiên, những lo ngại về chương tình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại châu Âu vẫn còn với việc Thụy Điển trở thành quốc gia mới nhất tạm dừng sử dụng vắc-xin AstraZeneca sau khi một số quốc gia báo cáo các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra.
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 53,91 điểm (+0,80%), lên 6.803,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 96,16 điểm (+0,66%), lên 14.557,58 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 19,46 điểm (+0,32%), lên 6.055,43 điểm.
Chứng khoán châu Á có phiên giao dịch khởi sắc vào thứ Ba. Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm với chỉ số Topix chạm mức tốt nhất trong 20 năm nhờ các cổ phiếu công nghệ bay cao.
Chứng khoán Trung Quốc tăng trở lại nhờ cổ phiếu các công ty tài chính và tiêu dùng phục hồi.
Chứng khoán Hồng Kông tăng khi các cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ tăng theo chân đà tăng của Phố Wall đêm trước đó với hy vọng Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ giữ chính sách phù hợp trong các cuộc họp trong tuần này.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng trong bối cảnh ông lớn Samsung Electronics và các cổ phiếu công nghệ khác hưởng ứng đà tăng của nhóm cổ phiếu cùng ngành trên phố Wall phiên trước đó.
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 154,12 điểm (+0,52%), lên 29.921,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 26,79 điểm (+0,78%), lên 3.446,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 193,93 điểm (+0,67%), lên 29.027,69 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 21,46 điểm (+0,70%), lên 3.067,17 điểm.
Giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch đêm qua trong khi chờ đợi cuộc họp chính sách của Fed. Giá vàng không thể bứt phá trong phiên, bất chấp chứng khoán bị bán tháo trên diện rộng.
Kết thúc phiên 16/3, giá vàng giao ngay tăng 0,30 USD (+0,02%), lên 1.731,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 1,70 USD (+0,10%), lên 1.730,90 USD/ounce.
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba sau khi Đức, Pháp và một loạt các quốc gia châu Âu khác đình chỉ việc sử dụng vắc-xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất, đe dọa tốc độ phục hồi của nhu cầu nhiên liệu trên thị trường.
Kết thúc phiên 16/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,59 USD (-0,90%), xuống 64,80 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,49 USD (-0,71%), xuống 68,39 USD/thùng.