Sau một tuần chứng kiến xu hướng các nhà đầu tư chứng khoán quay trở lại với nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, liên quan đến công nghệ, do lo sợ đại dịch, thị trường cuối tuần qua dồn sự tập trung vào rạn nứt rõ ràng giữa Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cuối ngày thứ Năm (19/11), Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố, ông sẽ không chấp thuận việc gia hạn một số chương trình cho vay khẩn cấp mà Bộ Tài chính đã triển khai cùng với Fed trong những ngày tồi tệ nhất đầu năm nay, khi đại dịch bắt đầu bùng phát gây ra cú sốc lớn thị trường tài chính. Các chương trình cho vay này sẽ kết thúc vào cuối năm.
Trong thư gửi Chủ tịch Fed Jerome Powell, ông Mnuchin khẳng định, các chương trình trên "rõ ràng đã đạt được các mục tiêu đề ra". Thị trường tín dụng, vốn gần như "đóng băng" hồi tháng 3 đã được phục hồi.
Theo ông Mnuchin, các chương trình hướng tới thị trường tín dụng doanh nghiệp, khoản vay cho các chính quyền thành phố cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua chương trình cho vay Main Street sẽ không được gia hạn. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Fed hoàn lại 455 tỷ USD chưa được phân bổ cho Quốc hội.
Ngay sau khi Bộ trưởng Mnuchin đưa ra tuyên bố trên, Fed cũng đưa ra thông báo nhấn mạnh, cơ quan này mong muốn tất cả các chương trình cho vay khẩn cấp tiếp tục đóng vai trò quan trọng như một điểm tựa cho nền kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng trên CNBC hôm thứ Sáu, Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans mô tả việc Bộ Tài chính dừng các chương trình cho vay khẩn cấp của Fed là “đáng thất vọng”.
Trong khi đó, thị trường vẫn đang bị mắc kẹt giữa sự gia tăng chóng mặt số ca nhiễm Covid-19 mới và những tin tức tích cực về vắc-xin.
Phân tích dựa trên dữ liệu do Đại học Johns Hopkins thống kê cho thấy, số ca nhiễm mới Covid-19 bình quân 7 ngày ở Mỹ, tính đến ngày 19/11, đã tăng lên 165.029 ca/ngày, tăng 24% so với 1 tuần trước đó. Chỉ tính riêng ngày 19/11, Mỹ ghi nhận kỷ lục 187.833 ca nhiễm mới. Nhiều bang ở Mỹ đã lùi kế hoạch tái mở cửa kinh tế, đóng cửa doanh nghiệp, trường học và ban hành lệnh giới nghiêm, giãn cách xã hội mới.
Trong diễn biến mới nhất trong cuộc đua phát triển vắc-xin, hãng Pfizer đã nộp đơn xin phê duyệt vắc-xin Covid-19 do hãng sản xuất lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Dow Jones giảm 219,75 điểm (-0,75%), xuống 29.263,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 24,33 điểm (-0,68%), xuống 3.557,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 49,74 điểm (-0,426%), xuống 11.854,97 điểm.
Tính chung cả tuần, S&P 500 giảm 0,77%, Nasdaq Composite tăng 0,22% và Dow Jones giảm 0,73%.
Chứng khoán châu Âu diễn biến tích cực trong phiên ngày thứ Sáu, kết thúc tuần thứ ba liên tiếp tăng điểm. Tâm lý lo lắng trước sự lây lan mạnh mẽ của đại dịch và sự bế tắc trong triển vọng về gói kích thích kinh tế mới tại mỹ đã được giải toả phần nào bởi những tin tức tích cực từ vắc-xin và sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc.
Kết thúc phiên 20/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 17,10 điểm (+0,27%), lên 6.351,45 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm tăng 51,09 điểm (+0,39%), lên 13.137,25 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 21,23 điểm (+0,39%), lên 5.495,89 điểm.
Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 0,55%, chỉ số DAX tăng 0,46% và CAC40 tăng 2,15%.
Chứng khoán châu Á tiếp tục biến động trái chiều trong phiên cuối tuần, song các thị trường lớn đều có tuần giao dịch khởi sắc. Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp do sự gia tăng của các ca nhiễm mới Covid-19 trong nước ở mức cao kỷ lục, làm dấy lên lo ngại rằng các quan chức sẽ đặt ra những hạn chế mới đối với hoạt động kinh doanh.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu vật liệu và máy móc, nhưng lo ngại vẫn gia tăng khi các vụ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu gần đây đang đe dọa sự phục hồi nền kinh tế.
Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 106,97 điểm (-0,42%), xuống 25.527,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,64 điểm (+0,44%), lên 3.377,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 94,57 điểm (+0,36%), lên 26.451,54 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,08 điểm (+0,24%), lên 2.553,50 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,56%, chỉ số Shanghai Composite tang 2,04%, chỉ số Hang Seng tăng 1,13% và chỉ số KOSPI tăng 2,39%.
Giá vàng hồi phục nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu trong bối cảnh thị trường chứng khoán bị bán tháo trước những tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Kết thúc phiên 20/11, giá vàng giao ngay tăng 4,40 USD (+0,24%), lên 1.870,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 10,90 USD (+0,59%), lên 1.872,40 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,73%.
Tuần này, trong số 17 chuyên gia trên phố Wall tham gia khảo sát của Kitco, có 8 người, chiếm 47%, dự báo vàng sẽ tăng giá. Chỉ có 5 người, chiếm 29%, cho rằng giá vàng giảm và 4 người, chiếm 24%, dự báo giá vàng đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến, trong số 1.539 người tham gia, có 642 người, tương đương 42%, tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. 594 người khác, chiếm 39%, cho rằng giá vàng sẽ giảm và 303 người còn lại, chiếm 20%, có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Những tin tức tích cực về vắc-xin hỗ trợ giá dầu trong phiên giao dịch cuối tuần, kết thúc một tuần khả quan đối với thị trường dầu mỏ.
Bên cạnh đó Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh đang lên kế hoạch kiểm soát sản lượng dầu thô trong thời gian tới. OPEC+ sẽ có cuộc họp cấp bộ trưởng vào hai ngày 30/11 và 1/12 để xem xét các phương án gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng ít nhất ba tháng kể từ tháng 1/2021.
Ngân hàng Bắc Âu (SEB) nhận định, nếu đợt cắt giảm này của OPEC+ được triển khai, đến quý I/2021, giá dầu có thể ổn định ở mức 44 USD/thùng.
Kết thúc phiên 20/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,41 USD (+0,97%), lên 42,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,76 USD (+1,69%), lên 44,96 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu WTI tăng 5,03%, giá dầu Brent tăng 5,1%.