Hôm thứ Tư, hãng dược Pfizer và đối tác đến từ đức Đức BioNTech tiết lộ tỷ lệ hiệu quả phòng ngừa ghi nhận được khi kết thúc thử nghiệm vắc xin Covid-19 của họ là 95%, chỉ vài ngày sau khi Moderna công bố tỷ lệ thành công tương tự trong dữ liệu sơ bộ từ vắc-xin của hãng này. Theo Pfizer, hãng có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp “trong vòng vài ngày”.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ kéo theo hàng loạt lệnh phong tỏa mới đã làm lu mờ những tiến triển tích cực về vắc-xin.
Số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 250.000 người vào hôm thứ Ba (17/11). Số ca nhiễm mới trong tuần qua ghi nhận khoảng 157.000 ca/ngày, cao hơn gần 30% so với số lượng nhiễm bệnh cách đây 1 tuần trước đó,
Thị trưởng New York Bill de Blasio thông báo các trường học công lập ở New York sẽ chuyển sang hình thức đào tạo từ xa khi thành phố nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19.
Mùa báo cáo quý III đã đi đến kết thúc với 468 công ty trong S&P 500 đã công bố báo cáo. Trong số đó, 84,4% có kết quả kinh doanh vượt dự báo, theo Refinitiv.
Hãng bán lẻ Target vượt ước tính lợi nhuận và doanh số được đưa ra trước đó nhờ doanh số bán hàng kỹ thuật số tăng 155%, báo cáo được công bố hôm thứ Tư của hãnh cho thấy.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với máy bay Boeing 737 Max sau 20 tháng ngừng hoạt động sau 2 thảm hoạ chết người.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Dow Jones giảm 344,93 điểm (-1,16%) xuống 29.438,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 41,74 điểm (-1,16%) xuống 3.567,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 97,74 điểm (-0,82 %) xuống 11.801,60 điểm.
Chứng khoán châu Âu phục hồi trong phiên giao dịch giữa tuần khi nhận được những tin tức tích cực hơn về vắc xin Covid-19. Ngoài ra, thị trường M&A diễn ra sôi rộng đã giảm bớt những lo lắng do đại dịch gây ra.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 19,91 điểm (+0,31%), lên 6.385,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 68,42 điểm (+0,52%), lên 13.201,89 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 28,45 điểm (+0,52 %), lên 5.511,45 điểm.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ 4. Chứng khoán Nhật Bản giảm điểm, các trường hợp nhiễm mới Covid-19 bất ngờ tăng vọt ở Tokyo đã chặn lại đà hưng phấn của thị trường trong phiên trước đó.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trước những thông tin chính phủ nước này cam kết thực hiện các biện pháp chính sách bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được đài phát thanh nhà nước dẫn lời rằng, Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong một phạm vi “hợp lý”, trong khi theo đuổi phát triển chất lượng cao hơn.
Những nhận xét của ông Cường đã giúp xoa dịu những lo ngại của nhà đầu tư rằng, các nhà chức trách có thể sớm từ bỏ các kế hoạch kích thích chính sách, khi có dấu hiệu về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi kiềm chế được Covid-19.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 286,48 điểm (-1,10%), xuống 25.728,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,14 điểm (+0,22%), lên 3.347,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 129,20 điểm (+0,49%), lên 26.544,29 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,49 điểm (+0,26%), lên 2.545,64 điểm.
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm trong phiên 18/11 trong bối cảnh tâm lý các nhà giao dịch lạc quan về việc thử nghiệm thành công vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer và hy vọng vào các gói hỗ trợ kinh tế.
Kết thúc phiên 18/11, giá vàng giao ngay giảm 8,50 USD (-0,45%), xuống 1.871,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 11,20 USD (-0,59%), xuống 1.873,90 USD/ounce.
Giá dầu hồi phục nhẹ trong phiên ngày 18/11 khi thị trường đặt hy vọng, OPEC và các đồng minh sẽ trì hoãn việc tăng sản lượng dầu theo kế hoạch, bên cạnh thông tin tích cực về vắc-xin.
OPEC+ đã có một phiên họp vào thứ Ba nhưng không đưa ra thông cáo chính thức. Tổ chức này dự kiến sẽ thảo luận về chính sách tại cuộc họp cấp bộ trưởng đầy đủ được tổ chức vào 30/11 và 1/12.
Các thành viên của OPEC+ đang có xu hướng trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 1/2021 thêm 2 triệu thùng/ngày, thời gian trì hoãn dự kiến từ 3 đến 6 tháng, các nguồn tin cho biết.
Tại Mỹ, dự trữ dầu tăng 768.000 thùng trong tuần trước, ít hơn nhiều so với mức tăng 1,7 triệu thùng được dự báo trước đó, dữ liệu của chính phủ Mỹ báo cáo cho thấy. Trong khi đó, các kho dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu nóng, giảm 5,2 triệu thùng, vượt xa kỳ vọng.
Kết thúc phiên 18/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,39 USD (+0,9%), lên 41,82USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,59 USD (+1,4%), lên 44,34 USD/thùng.