Nhận dữ liệu kinh tế xấu, giới đầu tư hoang mang tháo chạy

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (17/11) trước áp lực từ số ca nhiễm Covid-19 liên tục gia tăng và dữ liệu kinh tế đáng thất vọng.

Nhận dữ liệu kinh tế xấu, giới đầu tư hoang mang tháo chạy

Các ca nhiễm Covid-19 mới tràn lan trên khắp Mỹ đã khiến các bang phải ban hành các quy định hạn chế mới để ngăn chặn dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát. Trung bình có khoảng 150.000 ca nhiễm mới và 1.100 người tử vong do Covid-19 mỗi ngày ở Mỹ trong thời gian gần đây.

Tâm lý thị trường cũng chịu ảnh hưởng sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ tăng thấp hơn dự báo trong tháng 10, cho thấy chi tiêu tiêu dùng giảm tốc khi mùa mua sắm nghỉ lễ đến gần trong bối cảnh Washington sắp tới sẽ không tung ra khoản viện trợ trợ tài chính nào.

Cụ thể, theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố, doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,3% trong tháng trước, thấp hơn dự báo tăng 0,5% được đưa ra trước đó.

Mùa thu nhập quý III bước vào giai đoạn cuối cùng. Với hơn 465 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo, 84,5% có kết quả vượt hơn so với mức được dự báo, theo dữ liệu của Refinitiv.

Tuần này thị trường đón nhận kết quả quý III/2020 từ một loạt nhà bán lẻ nổi tiếng. Walmart Inc đã vượt qua kỳ vọng lợi nhuận và công bố mức tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt 6,4%.

Kết quả kinh quan của hãng bán lẻ Home Depot, chuyên về trang trí và nội thất nhà cửa, cũng vượt qua ước tính lợi nhuận và doanh số hàng quý được dự đoán trước đó, nhờ hưởng lợi từ Covid-19, người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn và dùng thời gian rảnh rỗi để sửa sang nhà cửa.

Chuỗi cửa hàng bách hóa Kohl's Corp cũng công bố lợi nhuận quý III/2020 tăng bất ngờ và dự báo tỷ suất lợi nhuận cao cho kỳ nghỉ lễ sắp tới.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Dow Jones giảm 167,09 điểm (-0,56%) xuống 29.783,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,38 điểm (-0,48%) xuống 3.609,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 24,79 điểm (-0,21%) xuống 11.899,34 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba đầy biến động do nhà đầu tư lo ngại trước làn sóng dịch bệnh chưa có dấu hiệu có thể kiểm soát được sẽ khiến con đường phục hồi kinh tế chậm chạp.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 55,06 điểm (-0,87%) xuống 6.365,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 5,14 điểm (-0,04%) xuống 13.133,47 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 11,52 điểm (+0,21%), lên 5.483,00 điểm.

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khi các nhà đầu tư hoan nghênh tin tức về vắc-xin Covid-19 tiềm năng.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ do nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe đi xuống do những lo ngại về việc bị định giá quá cao, trong khi nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý giới đầu tư.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 107,69 điểm (+0,42%), lên 26.014,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,07 điểm (-0,21%), xuống 3.339,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 33,42 điểm (+0,13%), lên 26.415,09 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 3,88 điểm (-0,15%), xuống 2.539,15 điểm.

Giá vàng giảm trong phiên ngày thứ Ba, bất chấp đồng USD yếu hơn và thị trường chứng khoán bất ổn.

Kết thúc phiên 17/11, giá vàng giao ngay giảm 8,60 USD (-0,46%), xuống 1.880.0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,70 USD (-0,14%), xuống 1.885,1 USD/ounce.

Giá dầu không thay đổi nhiều trong phiên giao dịch 17/11 trước thông dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến, làm tăng thêm lo lắng về nhu cầu trên thị trường nhiên liệu. Cụ thể, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết hôm thứ Ba, tồn kho dầu thô tại nước này tăng 4,174 triệu thùng trong tuần trước. Tuy nhiên, việc OPEC+ cho biết sẽ thắt chặt chính sách cung ứng đã hỗ trợ phần nào giá dầu.

Kết thúc phiên 17/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,09 USD (+0,2%), lên 41,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,07 USD (-0,2%), xuống 43,75 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục