Nhượng quyền: Cơn lốc đổ bộ của thương hiệu nước ngoài

Các thương hiệu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực đang đua nhau vào nhượng quyền ở Việt Nam.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 chính thức đổ bộ vào Việt Nam năm 2017 thông qua con đường nhượng quyền. Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 chính thức đổ bộ vào Việt Nam năm 2017 thông qua con đường nhượng quyền.

Ồ ạt vào Việt Nam

Năm 2017, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Tập đoàn GS Retail (Hàn Quốc) đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam thông qua con đường nhượng quyền (franchise) và thiết lập liên doanh với SơnKim Land của Việt Nam.

GS25 gây bão trên thị trường bởi tham vọng mở rộng thị trường. Ông Yun Ju Young, Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam chính thức công bố, GS25 sẽ mở 4 cửa hàng tại TP.HCM và 50 cửa hàng trong năm 2018, sau đó sẽ mở rộng ra thị trường Hà Nội. Theo kế hoạch, trong 10 năm, GS25 sẽ mở hệ thống 2.500 cửa hàng trên cả nước.

Trong khi đó, đối thủ đáng gờm nhất của GS25 là 7-Eleven cũng chỉ đặt mục tiêu mở khoảng 1.000 cửa hàng trên cả nước trong vòng 10 năm tới.

7-Eleven đăng ký franchise ở Việt Nam năm 2015 qua Công ty cổ phần Seven System Việt Nam, nhưng 2 năm sau mới khai trương cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên tại TP.HCM.

GS25 chỉ là một trong số 31 công ty, tên tuổi nhượng quyền lớn trên thế giới đăng ký franchise tại Việt Nam trong năm 2017. Năm qua, thị trường Việt Nam chứng kiến cơn lốc đổ bộ của các thương hiệu nước ngoài.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến nay, đã có 195 công ty nước ngoài vào Việt Nam Trong đó, chiếm 40% là các thương hiệu về thực phẩm và đồ uống (F&B).

Tính riêng năm 2017, có 31 công ty nước ngoài đăng ký franchise ở Việt Nam. Các công ty này chủ yếu đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản trong lĩnh vực F&B, giáo dục, hàng tiêu dùng… với các tên tuổi như Costa International Limited (Anh) kinh doanh chuỗi cà phê Costa; ITX MERKEN, B.V (Hà Lan) với chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo, giày dép và phụ kiện gắn với nhãn hiệu Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti; Youhong Foods Co kinh doanh trà sữa gắn nhãn hiệu One Zo; Tokyo Food Corporation (Nhật Bản) bánh xèo Nhật Bản và các món ăn Nhật khác gắn với các nhãn hiệu Botejyu, Basta Hiro…

Tính riêng năm 2017, có 31 công ty nước ngoài đăng ký franchise ở Việt Nam.

Trước đó, hàng loạt “ông lớn” về franchise trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam, như Jollibee, Pizza Hut, Starbucks, McDonald’s, Domino’s Pizza, Burger King, Popeye’s Chicken và Texas Chicken… Hầu hết họ đều mang theo kế hoạch sẽ bùng nổ ở Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu ở mọi phân khúc.

Ông Sean T. Ngo, CEO của VF Franchise Consulting nhận định, với hơn 93 triệu dân, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh trên thế giới.

Các nhà nhượng quyền đã nhận thấy được những cơ hội đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng ở Việt Nam, đặc biệt trong ngành thực phẩm và đồ uống.

Thương hiệu trong nước tham gia cuộc đua

Một thị trường tràn ngập đối thủ, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại nhận thấy nhiều cơ hội kinh doanh. Điều đó càng tạo thêm động lực để họ lên kế hoạch phát triển, tiến hành franchise.

Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) ra đời cách đây 13 năm đã tạo nên những chuỗi kinh doanh dẫn đầu thị trường lúc này, với 190 nhà hàng thuộc 20 thương hiệu, như Ashima, Kichi-Kichi, iCook, iSushi, Durama, Sumo BBQ, Gogi House, Ba Con Cừu, Cowboy Jack’s, Phố Ngon 37, Vuvuzela, City Beer Station, Crystal Jade, Osaka Osho.

Không dừng lại ở đó, Golden Gate vẫn đang tiếp tục mở rộng. Ông Nguyễn Cao Trí, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của Golden Gate cho biết, Công ty tự tin vào sự am hiểu thị trường và hệ thống vận hành ổn định của mình.

Trước đó, ông Trí cũng chia sẻ, Golden Gate theo đuổi cả hai chiến lược trong xây dựng mô hình. Theo đó, mục tiêu ngắn hạn là tạo ra sản phẩm khác biệt và mục tiêu dài hạn là xây dựng hệ thống bền vững.

Mặc dù vậy, Golden Gate lại chưa tính đến việc sẽ nhượng quyền các thương hiệu để đẩy nhanh quy mô vì thực tế, việc áp dụng mô hình franchise tại Việt Nam tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Trong khi đó, đứng trước thị trường franchise sôi động, Công ty cổ phần Đầu tư thương mai quốc tế Mặt trời đỏ (Redsun ITI) nhận thấy nhiều cơ hội, nên quyết định tham gia mạnh mẽ hơn, coi franchise là chiến lược dài hạn.

Ngay từ ngày đầu thành lập, cách đây 10 năm, Redsun đã đi mua nhượng quyền nước ngoài về 4 thương hiệu quốc tế, trong đó có Thai Express, Seoul Garden.

Tuy nhiên, sau đó, Redsun tự phát triển các thương hiệu và đặt kế hoạch mỗi thương hiệu phải mở ít nhất 10 nhà hàng mới bắt đầu franchise.

Theo ông Lê Vũ Minh, Phó chủ tịch phụ trách franchise của Redsun, Công ty đang tìm đối tác, nhà đầu tư để mở rộng hoạt động này.

Ông Suttisak Wilanan, Phó giám đốc Điều hành Công ty Reed Tradex cho rằng, franchise không mới, nhưng còn nhiều cơ hội phát triển. Hiện là một thời điểm then chốt để bắt đầu hoặc mở rộng kinh doanh, đặc biệt để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

“Chúng tôi phát hiện ra rằng, mọi nhà nhượng quyền tương lai đều có chung những thắc mắc như làm thế nào để đảm bảo sự thành công trong việc nhượng quyền thương mại, mối quan hệ giữa người nhượng quyền và người nhận nhượng quyền, chính sách đào tạo ra sao, việc đầu tư có xứng đáng và sự hỗ trợ tiếp thị có hiệu quả không?”.

Như vậy, ngành bán lẻ và nhượng quyền thương mại đang còn nhiều hứa hẹn ở phía trước, nhưng để bước vào sân chơi chuyên biệt, họ phải trải qua nhiều năm thương trường.

Và một trong những bí quyết franchise là địa phương hóa các thương hiệu quốc tế cho phù hợp với Việt Nam. “Không chỉ đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng, công nghệ cũng là một vấn đề cạnh tranh quan trọng không thể bỏ qua đối với bất kỳ nhà nhượng quyền và nhà bán lẻ nào trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường tiêu dùng”, ông Suttisak Wilanan nói.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục