Những yếu tố nhà đầu tư địa ốc cần lưu ý khi "đánh bắt xa bờ"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường địa ốc đã bước qua 8 tháng đầu năm 2022 với nhiều diễn biến mới, bối cảnh vĩ mô thay đổi đang khiến nhịp vận động trên thị trường trở nên nhanh hơn. Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội chia sẻ về diễn biến thị trường thời gian qua và lời khuyên cho các nhà đầu tư. 
Hạn chế trong minh bạch thông tin đang cản trở dòng vốn ngoại tham gia thị trường địa ốc Việt Nam. Ảnh: Shutterstock. Hạn chế trong minh bạch thông tin đang cản trở dòng vốn ngoại tham gia thị trường địa ốc Việt Nam. Ảnh: Shutterstock.

Những tháng đầu năm, tình hình vĩ mô thay đổi quá nhanh khiến các thành viên thị trường phải thích ứng linh hoạt hơn, dẫn đến một cuộc chạy đua khai mở thị trường mới để tăng thanh khoản. Bà có lời khuyên nào cho các chủ đầu tư?

Đây là một tín hiệu tích cực của thị trường. Theo tôi, các chủ đầu tư lần đầu tham gia phát triển dự án tại một địa phương mới cần chú trọng nghiên cứu và khảo sát thị trường một cách kỹ lưỡng, trước khi phát triển và ra mắt sản phẩm, để đảm bảo nắm bắt được yêu cầu và sở thích của người mua nhà tại địa phương.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư này cũng cần tìm hiểu kỹ tình hình cạnh tranh hiện tại và nhu cầu của khách hàng để đưa ra được chiến lược sản phẩm phù hợp, nhắm trúng vào các sản phẩm/concept còn đang thiếu trên thị trường.

Do phát triển dự án ở địa phương mới, tên tuổi và nhận diện thương hiệu của các chủ đầu tư có thể còn hạn chế với người mua nhà tại khu vực phát triển dự án. Vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động marketing về thương hiệu và các dự án tiêu biểu đã thực hiện cũng giúp người mua nhà tại địa phương nhận biết tốt hơn về thương hiệu và giúp ích cho công tác bán hàng về sau.

Bà Nguyễn Hoài An.

Bà Nguyễn Hoài An.

Ngoài ra, tùy vào quy mô và số lượng dự án, chủ đầu tư cần cân nhắc phát triển đội ngũ thực hiện dự án có kinh nghiệm tại địa phương hoặc hợp tác với những đơn vị tư vấn có uy tín và kinh nghiệm để cùng đồng hành thực hiện và phát triển dự án trong tất cả các khâu từ đánh giá tiền khả thi, thiết kế, bán hàng, và quản lý dự án…

Đi cùng với đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư “đánh bắt xa bờ” hơn, với nhóm khách hàng này thì sao?

Đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư dự án tại các khu vực mới, chưa quen thuộc, các nhà đầu tư này cần lưu ý một số điểm sau: Xác định kỹ ngân sách và thời gian đầu tư; theo sát các yếu tố về vĩ mô chung (lạm phát, lãi suất…) và tình hình kinh tế, tiềm năng phát triển của địa phương để điều chỉnh quyết định đầu tư và cân nhắc phương án tài chính; tìm hiểu kỹ thông tin về (các) dự án định đầu tư về mặt pháp lý, sản phẩm và tiềm năng tăng giá (đặc biệt là các yếu tố liên quan đến quy hoạch và hạ tầng).

Ngoài ra, nên ưu tiên chủ đầu tư uy tín, vì nếu dự án/khoản đầu tư phát sinh vấn đề thì khoảng cách địa lý sẽ gây nhiều khó khăn đến việc tiếp cận thông tin, xử lý vấn đề phát sinh. Cùng với đó là việc lựa chọn tiếp cận thông tin qua các đơn vị môi giới có uy tín và tên tuổi trên thị trường.

Quay trở lại với bối cảnh vĩ mô hiện tại, thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài, bà nhận thấy đâu là phân khúc đang thu hút sự quan tâm lớn?

Theo quan sát của CBRE, thị trường bất động sản Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm do tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và dịch bệnh được kiểm soát tốt. Các mảng thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất theo ghi nhận của chúng tôi là bất động sản khu công nghiệp và logistics, cùng với đó là phân khúc nhà ở.

Với động sản khu công nghiệp và logistic, đây là mảng thị trường được nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trước sự mở rộng dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trong bối cảnh kinh tế ổn định, dân số trẻ và cơ sở hạ tầng được cải thiện và chiến lược “Trung Quốc + 1” được nhiều công ty đa quốc gia đang áp dụng.

Còn mảng nhà ở, đây vẫn luôn là phân khúc được các nhà đầu tư quan tâm. Với nguồn cầu trong nước mạnh mẽ thúc đẩy bởi sự tăng trưởng dân số ổn định, tốc độ đô thị hóa khả quan cũng như nguồn cầu đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ trở lại sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục là một kênh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Khối ngoại đang gặp nhiều rào cản trong tiếp cận quỹ đất. Ảnh: Shutterstock.

Khối ngoại đang gặp nhiều rào cản trong tiếp cận quỹ đất. Ảnh: Shutterstock.

Vậy với câu chuyện thu hút dòng vốn ngoại, theo bà đâu là nút thắt lớn nhất đang tồn tại, và hướng giải quyết là gì?

Đó là tính minh bạch, để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, sự minh bạch về thông tin là hết sức quan trọng để các nhà đầu tư đánh giá được tiềm năng phát triển của dự án. Còn hướng giải quyết đó là Nhà nước và các chính quyền địa phương cần có cơ chế xây dựng thông tin và có những buổi trao đổi xúc tiến đầu tư thường xuyên hơn nhằm giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một hệ thống cơ sở pháp luật rõ ràng, phù hợp với hoàn cảnh và sự phát triển của thị trường sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn khi đầu tư tại Việt Nam

Thứ nữa là việc tiếp quỹ đất, nhiều nhà tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất và vướng mắc trong thủ tục hành chính để phát triển dự án. Theo tôi, cần có những buổi xúc tiến đầu tư thường xuyên hơn giữa chính quyền và nhà đầu tư, để kết nối nhà đầu tư với các dự án cần đầu tư. Ngoài ra về thủ tục hành chính, cần đưa ra cơ chế rõ ràng, minh bạch để hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục và triển khai dự án.

Việt Nam có thể tham khảo bài học kinh nghiệm nào để xây dựng cho mình một thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh?

Hàn Quốc là một mẫu hình mà chúng ta có thể nghiên cứu, nhất là với chính sách giao dịch cung - cầu bất động sản. Ở Hàn Quốc, Chính phủ thực hiện đánh thuế sở hữu bất động sản dư thừa (từ 660 m2 đất ở trở lên chịu mức thuế 7 - 11%/năm)

Singapore cũng là một gợi ý. Nước này thắt chặt quản lý để tránh tình trạng thị trường bất động sản phát triển quá nóng qua việc đánh thuế 10% giá trị thương vụ đối với người mua nước ngoài kể từ năm 2011 (sau đó tăng lên 15% năm 2013).

Cùng với đó là việc giới hạn đối tượng được mua bất động sản thứ hai hay yêu cầu thu nhập ở mức cao để có thể nộp hồ sơ vay mua bất động sản…

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục