Những vấn đề kinh tế vĩ mô giới đầu tư chứng khoán cần chú ý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chỉ số vĩ mô 4 tháng đầu năm vẫn khá tích cực, nhưng có những phân tích từ nhiều chuyên gia mà giới đầu tư chứng khoán cần chú ý.
Giá nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đều đang tăng mạnh. Giá nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đều đang tăng mạnh.

Những con số tích cực

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 vẫn diễn biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020 - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay giảm. Tín dụng toàn nền kinh tế có xu hướng phục hồi nhanh, tăng 3,61% so với cuối năm 2020, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức tín dụng nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng, phản ánh kỳ vọng tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế.

Thương mại và đầu tư duy trì đà tích cực, với mức xuất siêu đạt xấp xỉ 1,29 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2021 ước tính đạt 25,5 tỷ USD, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính tháng 4 đạt 27 tỷ USD, tăng 43,5% so với tháng 4/2020. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Sản xuất - kinh doanh có dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2021 ước tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 4 tháng, IIP có mức tăng 10% so với cùng kỳ, lần đầu trở lại mức tăng trưởng hai con số trong năm nay. Đặc biệt, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng, với tốc độ tăng khoảng 12,7%.

Trong tháng 4, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, cả nước có gần 14.900 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179.900 tỷ đồng.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 627.700 tỷ đồng, tăng 17,5% về số doanh nghiệp, tăng 41% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Chưa kể, có hơn 19.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là mức tăng trưởng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại sản xuất rất tốt. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng tương đối tốt với bối cảnh đại dịch Covid-19.

Rủi ro lạm phát hiện hữu

Tuy vậy, TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, không thể chỉ nhìn vào con số CPI để nhận định rằng áp lực lạm phát trong năm nay là không có, “bởi CPI là thống kê trong quá khứ, chưa thể nói trước được điều gì trong tương lai”.

Không thể chỉ nhìn vào con số CPI 4 tháng để nhận định rằng áp lực lạm phát trong năm nay là không có”

TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Căn cứ lo ngại trên là chỉ số CPI thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Nếu khu vực sản xuất lương thực, thực phẩm chịu tác động của các cú sốc nguồn cung như thiên tai, bệnh dịch, chi phí đầu vào như phân bón, hạt giống… tăng, sẽ khiến CPI tăng nhanh. Bởi sản phẩm nông nghiệp đóng vai trò rất lớn trong giỏ hàng CPI. Giá cả nguyên vật liệu đầu vào sản xuất công nghiệp cũng tăng rất nhanh.

Sự đứt gẫy của các chuỗi cung ứng toàn cầu đã đẩy giá các nguyên vật liệu tăng cao từ cuối năm 2020 trở lại đây, đẩy chỉ số lạm phát tại nhiều quốc gia tăng cao. Đây chính là mối đe dọa lớn với thị trường chứng khoán toàn cầu.

Khẳng định xuất khẩu trong nước vẫn tốt do khả năng khống chế bệnh dịch tốt trong bối cảnh nhiều nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan… vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả, song TS. Phạm Thế Anh cũng lưu ý, xuất khẩu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp một phần nhỏ.

Xuất khẩu trong nước phụ thuộc nhiều từ nguyên vật liệu nhập khẩu, vậy nên, xuất khẩu tăng mạnh thì nhập khẩu tăng theo, giá trị gia tăng doanh nghiệp trong nước chủ yếu là gia tăng lao động nên xuất siêu nhỏ. (Mức xuất siêu 4 tháng đầu năm chỉ đạt 1,29 tỷ USD).

Ông Anh lưu ý, FDI hay đầu tư công không phản ánh được triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Trong tương lai, FDI vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao hoặc xấp xỉ như cũ, vì Việt Nam có những lợi thế về lao động, kiểm soát dịch bệnh và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài nên dòng vốn FDI vẫn sẽ vào Việt Nam như những năm qua.

“Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7% là thách thức lớn”

“Muốn biết tín hiệu của nền kinh tế có thực sự phục hồi cần nhìn vào những con số của đầu tư tư nhân, để thấy các doanh nghiệp có bỏ vốn vào đầu tư hoạt động sản xuất hay các doanh nghiệp thành lập mới có tăng vọt và lấn át số giải thể”, TS. Phạm Thế Anh nói và nêu ra con số, có 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong 4 tháng đầu năm, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn hẳn con số doanh nghiệp thành lập mới.

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam cũng là đợt nguy hiểm nhất bắt đầu từ ngày 27/4. Đến nay, tốc độ dịch bệnh lây lan nhanh và phức tạp ra cộng đồng đã gần kéo sang tuần thứ 4.

Theo TS. Phạm Thế Anh, dịch bệnh bùng phát có thể dẫn tới ngưng trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh và đóng cửa kinh tế nếu dịch bùng phát mạnh. Mặt khác, trước tác động của bệnh dịch triền miên, sức cầu người dân thấp đi do thu nhập giảm sút, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng sản phẩm bị giảm hoặc mất đi đáng kể.

Dẫu vậy, ông Anh khẳng định, nền kinh tế nước ta vẫn đạt tăng trưởng dương. “Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 6,5 - 6,7% như các dự báo được đưa ra từ đầu năm sẽ là thách thức lớn”.

Trước đó, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam cũng cho rằng, vẫn còn những rủi ro đáng kể trong năm nay và năm sau, khi các virus biến thể quay trở lại, tiêm chủng vắc-xin không đồng đều giữa các quốc gia có thể trì hoãn việc Việt Nam đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch, do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục