Trong vụ án này, Nguyễn Đức Kiên bị quy kết với 4 tội danh gồm: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đã đề cập đến nhiều thuật ngữ kinh tế. Đầu tư Chứng khoán xin điểm lại những thuật ngữ này trong quy định của pháp luật.
Ở hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Đức Kiên bị quy kết vì hành vi bán 20 triệu cổ phần của CTCP Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, lấy 264 tỷ đồng. Số cổ phần này bị cáo biết là đã được thế chấp tại Ngân hàng ACB để bảo đảm cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng và chưa được giải chấp, nhưng không thông báo cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát.
Đến khi Nguyễn Đức Kiên bị bắt thì số cổ phần chưa được giải chấp, chưa được giao cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát.
Trong quá trình xét hỏi, tranh luận và tự bào chữa, bị cáo Kiên đã trình bày về cổ phần, cổ phiếu và cho rằng, có sự khác nhau giữa cổ phần, cổ phiếu. Giao dịch ở đây là giao dịch cổ phần và số cổ phần này được phát hành dưới hình thức ghi sổ, không phải bút toán cầm tay. Số cổ phần này vẫn đang nằm tại CTCP Thép Hòa Phát, nên bị cáo không thể giao cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát. Bị cáo không lừa đảo ai.
Tại mục a khoản 1 Điều 77 Luật Doanh nghiệp năm 2005 về Công ty cổ phần quy định: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
Cũng tại Luật này, khoản 1 Điều 85 về cổ phiếu quy định: Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Cổ phiếu có thể ghi tên hoặc không ghi tên. Cổ phiếu phải có một số nội dung chủ yếu như tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, số lượng cổ phần và loại cổ phần…
Hiện Luật Doanh nghiệp 2005 vẫn đang có hiệu lực thi hành. Trong phiên tòa cũng có luật sư đề cập đến Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đến ngày 1/7/2015 mới có hiệu lực thi hành.
Quy định về cổ phần tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi được giữ nguyên, nhưng quy định về cổ phiếu có sự sửa đổi.
Cụ thể, khoản 1 Điều 120 Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định: Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Cổ phiếu phải có các nội dung chủ yếu như tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty, số lượng cổ phần và loại cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu…
Khoản 1 Điều 6 Luật Chứng khoán 2006 về Giải thích từ ngữ quy định: Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán.
Cũng tại Điều 6, khoản 2 quy định tiếp: Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Liên quan đến hành vi kinh doanh trái phép, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị quy kết đã dùng 6 pháp nhân để kinh doanh trái phép với số tiền lên tới hơn 21.000 tỷ đồng. Bị cáo Kiên cho rằng, kinh doanh tài chính và đầu tư tài chính là khác nhau. Bị cáo đầu tư tài chính chứ, không kinh doanh tài chính.
Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 về Giải thích từ ngữ quy định: Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Còn Luật Đầu tư 2005 quy định tại Điều 3, Giải thích từ ngữ: Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định thế nào là kinh doanh được giữ nguyên, tuy nhiên Luật Đầu tư sửa đổi (đến ngày 1/7/2015 mới có hiệu lực) đã bổ sung khái niệm này. Khoản 1 Điều 3 quy định: Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.