1. Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý với nội dung kết luận của vị đại diện Viện kiểm sát đã xác định: Do Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho các nhân viên gửi tiền tại các tổ chức tín dụng (ngày 22/3/2010), nên lãnh đạo ACB đã thực hiện ủy thác 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên của mình để gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhanh TP. HCM và Chi nhánh Nhà Bè. Trong quá trình thực hiện việc ủy thác cho 19 nhân viên ACB đứng tên gửi tiết kiệm vào Vietinbank TP. HCM và Vietinbank Nhà Bè, Huỳnh Thị Huyền Như đã thực hiện các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt toàn bộ 718 tỷ đồng của ACB.
2. Tôi phản bác ý kiến của các luật sư cho rằng, Vietinbank phải trả tiền cho ACB theo các Hợp đồng tiền gửi bởi các lý do sau:
Thứ nhất, Huỳnh thị Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền ngay từ đầu, khi thoả thuận với Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó phòng quản lý quỹ ACB về việc huy động tiền của ACB với lãi suất cao. Cụ thể:
Các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của bị án Như tại phiên tòa đã thể hiện rõ, do làm ăn thua lỗ, vay lãi nặng không còn khả năng thanh toán và do sức ép của các chủ nợ, nên Như đã nảy ý định huy động tiền của các tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt trả nợ. Do có ý định này, nên Như đã đồng ý ngay, khi Huỳnh Thị Bảo Ngọc trao đổi trực tiếp với Như về việc gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất cao và khoản chi riêng cho Ngọc, Như đã đồng ý. Lãi suất được ghi trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất chênh ngoài hợp đồng được trả ngay sau khi tiền chuyển vào TKTT là 3,8 -4,5%/năm và riêng cho Ngọc là 1,5%/năm.
Nội dung thỏa thuận trên đây là “thỏa thuận ngầm”, trái pháp luật (vi phạm Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 của NHNN quy định mức lãi suất huy động tối đa bằng tiền Việt Nam) giữa Như với Ngọc và là thủ đoạn của Như để thực hiện mục đích chiếm đoạt.
Thứ hai, với con “mồi lãi suất cao“ và tiền phần trăm cho Ngọc, Như đã thực hiện có tính toán tiếp theo các thủ đoạn gian dối, dẫn dụ Ngọc và các nhân viên ACB làm mọi việc theo sự sắp đặt của Như, trong đó có cả các việc làm trái quy định, tắc trách, vô trách nhiệm và Như đã lợi dụng sự sai phạm, tắc trách này chiếm đoạt trót lọt 718 tỷ đồng của ACB. Cụ thể:
- Sau khi biết Ngọc “mắc bẫy lãi suất“ và tiền phần trăm riêng cho Ngọc, Như đã dẫn dụ Ngọc cho 19 nhân viên mở TKTT tại Vietinbank TP. HCM và Nhà Bè. Sau khi đã dẫn dụ Ngọc chuyển tiền vào các TKTT này, Như đã cùng Ngọc sắp đặt cho các nhân viên ký Giấy mở tài khoản tiết kiệm và lệnh chi có nội dung yêu cầu Vietinbank trích từ TKTT để gửi tiết kiệm có kỳ hạn (BL5109 đến BL5363; BL20412, BL20422).
- Sau khi đã dẫn dụ Ngọc chuyển tiền vào TKTT của các nhân viên ACB, Như đã dùng tiền của mình trả tiền lãi suất chênh cho ACB qua 17 nhân viên là 10,3 tỷ đồng (số tiền này đã được các nhân viên ký giấy nộp luôn vào TKTT của mình) và trả cho riêng Ngọc 3,7 tỷ đồng qua TKTT của Huỳnh Thị Chiêu Uyên, là chị gái của Ngọc.
- Như đã lợi dụng sự sai phạm, tắc trách, vô trách nhiệm của các nhân viên ACB và của Ngọc thực hiện các thủ đoạn gian dối:
+ Tráo chữ ký trong hồ sơ mở tài khoản của một số nhân viên ACB do Ngọc nhờ đăng ký mở TKTT hộ (Dương Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Bé Năm, Phạm Phượng Linh, Nguyễn Ngọc Toàn và Lâm Thành Nhơn) (BL 5468, 5484, 5499);
+ Lập 02 hợp đồng tiền gửi giả với Vietinbank Nhà Bè (chữ ký và dấu không phải của Vietinbank Nhà Bè) với số tiền là 50 tỷ đồng, lãi suất 22%/năm để 2 nhân viên Dương Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Bé Năm ký;
+ Sắp đặt để nhân viên ACB ký lệnh chi khống (Lê Thị Minh Hiền - BL020428).
- Kết quả cuối cùng mà Như đã dẫn dụ được là việc Ngọc đã phó thác tài sản của ACB cho Như qua việc cho phép “em làm theo kiểu nào thì em làm miễn sao lãi suất thỏa thuận là như vậy, nộp đủ cho bên chị” và cùng với đó là sự vi phạm nghiêm trọng qui định về trách nhiệm của chủ TKTT cũng như của chủ thẻ tiết kiệm của các nhân viên ACB. Các nhân viên ACB đã hoàn toàn thờ ơ, vô trách nhiệm đối với các biến động của TKTT, cũng như đã phó thác các thẻ tiết kiệm cho Như giữ. Lợi dụng sự vô trách nhiệm, phó thác, bỏ mặc này, mà Như đã có thể thực hiện chót lọt việc chuyển tiền bằng lệnh chi khống, lệnh chi giả từ các TKTT của các nhân viên ACB đến tài khoản của các cá nhân, tổ chức mà Như vay tiền trước đó cũng như thực hiện được việc chiếm dụng các thẻ tiết kiệm, lập hồ sơ vay cầm cố thẻ tiết kiệm, gây thiệt hại 718 tỷ đồng cho ACB.
Theo các tài liệu có trong Hồ sơ vụ án, các nhân viên ACB đã khai nhận: họ đứng tên TKTT và tên trên các hợp đồng. nhưng thực chất chỉ là được “đứng tên” để hưởng thù lao từ 200.000 - 1.000.000 đồng (BL 28965 – BL 28975). Chính vì vậy, họ chỉ làm theo sự chỉ đạo của ACB qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc, mà không cần quan tâm đến trách nhiệm của chủ TKTT, chủ thẻ tiết kiệm và trách nhiệm của người ký Hợp đồng ủy thác gửi tiền mặc dù biết rất rõ về nghiệp vụ ngân hàng.
Thực chất vấn đề ở đây là, ACB đã “mượn” TKTT của các nhân viên để làm phương tiện thực hiện chuyển tiền theo các thỏa thuận ngầm - giao dịch bất hợp pháp với cá nhân Như, nhằm mục đích kiếm lời bất chính. ACB tuy là chủ tài sản thực sự nhưng giao cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc. Trong khi đó, Huỳnh thị Bảo Ngọc do đã được nhận từ Như 3,7 tỷ đồng, nên cũng phó thác cho Như.
Tại phiên tòa, bị án Như đã khai nhận: không quen số nhân viên ACB, mà chỉ giao dịch với Huỳnh Thị Bảo Ngọc và Ngọc có nói với bị án là: “em làm theo kiểu nào thì em làm, miễn sao lãi suất thỏa thuận là như vậy, nộp đủ cho bên chị”. Như vậy, Ngọc và các nhân viên ACB đã có lỗi trong việc để TKTT và thẻ tiết kiệm bị lợi dụng.
- Các nhân viên của ACB đã không thực hiện trách nhiệm của chủ TKTT: Không tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản, không đối chiếu Giấy báo Nợ, Giấy báo Có (mặc dù có đăng ký dịch vụ chu kỳ sao kê hàng ngày/tháng, nhận tại Ngân hàng) và cũng không có ý kiến phản hồi với Vietinbank khi tiền trên TKTT của mình bị trích chuyển đến các tài khoản của các đơn vị, cá nhân mà mình không có quan hệ kinh tế.
Sự vô trách nhiệm này đã vi phạm nghiêm trọng khoản 2 Điều 10 Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN của NHNN. Các nhân viên ACB đã có lỗi trong việc để tài khoản bị lợi dụng. Do vậy, các nhân viên này phải tự chịu trách nhiệm về hậu quả do tài khoản bị lợi dụng gây ra theo khoản 3 Điều 10 Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN.
- Việc Ngọc và các nhân viên ACB phó thác, để cho Như nắm giữ Thẻ tiết kiệm là vi phạm khoản 7 Điều 6; khoản 1 Điều 8 và khoản 3 Điều 25 Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN (Thẻ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; người gửi tiền có trách nhiệm trực tiếp thực hiện thủ tục gửi tiền tại ngân hàng, nhận và quản lý thẻ tiết kiệm do ngân hàng cấp; thông báo kịp thời việc mất Thẻ tiết kiệm để tránh bị lợi dụng làm tổn thất tài sản). Do đó, các cá nhân này phải tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại do để Thẻ tiết kiệm bị lợi dụng.
Vấn đề không bình thường ở đây là: Hợp đồng ủy thác gửi tiền ký kết giữa ACB với 19 nhân viên của mình đều có nội dung: ACB đồng ý ủy thác cho bên nhận ủy thác gửi tiền tại Vietinbank… Hình thức gửi tiết kiệm (Điều 1); bên nhận ủy thác có trách nhiệm nhận và giao lại cho ACB các thẻ tiết kiệm … cung cấp thông tin đến thẻ tiết kiệm, tài khoản tại TCTD định kỳ và bất thường cho ACB (Điều 6) (BL016983-017078 Tập 69). Nhưng các nhân viên ACB đã không thực hiện các nghĩa vụ cam kết này, không nhận và giao các thẻ tiết kiệm cho ACB, không cung cấp thông tin đến thẻ tiết kiệm, tài khoản cho ACB và ACB cũng không yêu cầu nhân viên của mình nhận và giao lại các thẻ tiết kiệm, cung cấp thông tin đến thẻ tiết kiệm, tài khoản cho ACB.
Thứ ba, 32 Hợp đồng tiền gửi giữa các cá nhân ACB và Vietinbank TP. HCM là cam kết của 2 bên, nhưng đã không được thực hiện và chỉ là hình thức để che đậy hợp đồng thực (thỏa thuận ngầm), nhưng trái pháp luật đã được thực hiện giữa ACB và Huỳnh thị Huyền Như. Cụ thể:
32 hợp đồng tiền gửi được ký kết giữa 17 cá nhân ACB với Vietinbank TP. HCM với số tiền là 668 tỷ đồng có chữ ký và con dấu thật, cũng như với lãi suất đúng quy định của NHNN và đúng với niêm yết công khai của Vietinbank là cam kết của hai bên để thực hiện giao dịch. Nhưng trên thực tế, 32 hợp đồng này không được thực hiện và chỉ là hình thức để che đậy hợp đồng thực, nhưng trái pháp luật giữa ACB và Như, vì Ngọc và Như đã thỏa thuận và thực hiện “thỏa thuận ngầm” với nhiều nội dung không có hoặc không đúng với văn bản hợp đồng đã được ký kết. Cụ thể:
- Trên văn bản hợp đồng đã được ký kết, lãi suất được xác định là 14%/năm, nhưng theo thỏa thuận “ngầm” và trên thực tế thực hiện thì lãi suất bao gồm lãi suất ghi trong hợp đồng là 14% và lãi suất chênh ngoài hợp đồng từ 3,8 - 4,5%/năm;
- Trên văn bản hợp đồng đã được ký kết, tiền lãi được trả sau nhưng theo thỏa thuận “ngầm” và thực tế thì Như đã trả trước bằng tiền mặt cho ACB số tiền lãi suất chênh (17 nhân viên ACB đã nhận 10.302.937.156 đồng tiền lãi suất chênh và đã ký giấy nộp số tiền này vào TKTT của mình); Như đã trả cho Ngọc 3,7 tỷ đồng qua tài khoản của Huỳnh Thị Chiêu Uyên là chị gái của Ngọc. Toàn bộ số tiền mà các nhân viên ACB đã nhận không phải là tiền của Vietinbank, mà là tiền của Như.
- Các hợp đồng tiền gửi đều quy định Bên B được tự động trích số tiền từ TKTT sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, nhưng các nhân viên ACB lại ký Giấy mở tài khoản tiết kiệm và lệnh chi có nội dung yêu cầu Vietinbank trích từ TKTT để gửi tiết kiệm có kỳ hạn và còn có nhân viên ACB đã giao cho Như lệnh chi khống, nên Như đã lợi dụng trích tiền từ TKTT để chiếm đoạt. (BL5109 đến BL5363; BL20412, BL20422, BL020428).
Thư tư, lãnh đạo ACB đã lập tài liệu giả để kiện Vietinbank, vì biết ACB đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa chiếm đoạt 718 tỷ đồng. Cụ thể:
Trước Cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hòa (Kế Toán trưởng), Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB đều khai nhận là đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa chiếm đoạt 718 tỷ đồng (BL016764; BL22432; BL 22490). Do biết như vậy, nên ACB đã làm lại nhiều văn bản và ghi lùi ngày để hợp thức hồ sơ nhằm mục đích khiếu nại, đòi tiền của Vietinbank. Đó là các văn bản: Biên bản họp thường trực HĐQT ngày 07/6/2011; Tờ trình của anh Hòa gửi Tổng giám đốc ngày 07/6/2011; Giấy ủy quyền của Lý Xuân Hải ngày 07/6/2011…
Về việc làm gian dối này, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang đã khai nhận: “Do Nguyễn Văn Hòa đã trình bày: ‘vì trước đây theo quy trình thì chỉ có gửi tiết kiệm, nếu các anh không ký lại thì ACB làm sai quy trình và mất tiền không đòi lại được’” (Lời khai của Pham Trung Cang; Lê Vũ Kỳ; Trịnh Kim Quang tại BL 22541 - 22542 BL 22644 – 22650; BL22453-22456; BL 22508-22510). Tại phiên tòa, bị cáo Lý Xuân Hải khai nhận: các tài liệu ký lùi ngày này là giả.
Thứ năm, trong vụ việc này, quan hệ giao dịch giữa các nhân viên ACB, cũng như ACB với Huỳnh Thị Huyền Như, mà trong đó Vietinbank là đơn vị có liên quan đã có những dấu hiệu của tội phạm, nên cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đã tiến hành điều tra vụ án. Viện kiểm sát đã truy tố và TAND TP. HCM đã xét xử Huỳnh Thị Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong quan hệ lừa đảo này sẽ được giải quyết theo khoản 1 Điều 42 BLHS.
Tóm lại, với những nội dung đã trình bày và phân tích trên đây có thể khẳng định, trong việc ủy thác và quá trình thực hiên việc ủy thác cho 19 nhân viên ACB đứng tên gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh TP. HCM và Chi nhánh Nhà Bè, lãnh đạo và nhân viên ACB đã vi phạm pháp luật, đã phó thác tài sản cho Như, đặc biệt là vi phạm các quy định về trách nhiệm của chủ tài khoản thanh toán và của chủ thẻ tiết kiệm. Các sai phạm này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng để thực hiện các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt toàn bộ 718 tỷ đồng của ACB. Do đó, Huỳnh Thị Như có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho bên bị lừa đảo là ACB theo khoản 1 Điều 42 BLHS.
Về phía Vietinbank, Ngân hàng hoàn toàn không biết nội dung thỏa thuận “ngầm” với lãi suất vượt trần giữa cá nhân Như với ACB, cũng như việc thực hiện nội dung thỏa thuận “ngầm” bất hợp pháp này. Vietinbank cũng hoàn toàn không biết nguồn tiền gửi là của ACB. Tất cả sự thật này, Vietinbank đều không biết và không thể biết được do sự “kín kẽ” của ACB. Vietinbank hoàn toàn không có lỗi đối với các sai phạm của lãnh đạo và nhân viên ACB, không có lỗi đối với thỏa thuận “ngầm” trái pháp luật giữa ACB và cá nhân Như, không có lỗi đối với sự tắc trách, vô trách nhiệm của các nhân viên ACB. Do vậy, ACB phải tự chịu trách nhiệm về các sai phạm của mình theo khoản 3 Điều 10 Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN và khoản 3 Điều 25 Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN của NHNN.
Vì vậy, với những nội dung đã được trình bày, phân tích trên đây, tôi khẳng định rằng, Vietinbank không có trách nhiệm trả ACB 718 tỷ đồng.