Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, quan điểm của Viện Kiểm sát lặp lại quan điểm của án sơ thẩm, không cập nhật diễn biến của phiên phúc thẩm.
Ở hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, việc Thép Hòa Phát nại ra lý do không nhớ, không lưu hồ sơ, không báo cáo… là không thể chấp nhận được. Bởi vì, giao dịch xuất phát từ phía Hòa Phát, Hòa Phát chủ động muốn mua lại cổ phiếu và Hòa Phát cũng là bên soạn thảo hợp đồng.
Tại phiên tòa, một số vấn đề liên quan đã được các bên làm rõ như ngày 27/6, CTCP Thép Hòa Phát đã làm thủ tục sang tên cổ đông.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, một chứng cứ quan trọng sổ đăng ký cổ đông nhưng không được thu thập đưa vào hồ sơ vụ án. Nếu sổ đăng ký cổ đông đã được sang tên cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát vào ngày 21/5/2012 thì không có cơ sở kết tội bị cáo Kiên.
Về hành vi Cố ý làm trái quy định, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, việc bản án sơ thẩm nhận định số tiền 718 tỷ đồng thiệt hại do Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt được giải quyết trong vụ án khác nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.
“Không xét thì lấy căn cứ nào để xác định hậu quả của các bị cáo là nghiêm trọng, nhất là khi bản án sơ thẩm của Huyền Như là chưa có hiệu lực pháp luật?” - Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói.
Án sơ thẩm nhận định, dù VietinBank hay Huyền Như có trách nhiệm hoàn trả số tiền này thì thực tế số tiền này ACB vẫn chưa thu hồi được. “Chưa thu hồi được” hoàn toàn khác nghĩa với “Không thu hồi được”.
Số tiền 687 tỷ đồng thiệt hại do chủ trương đầu tư cổ phiếu, Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng “không xét”, giải quyết trong một vụ án khác.
Vụ án này ACB được xác định là nguyên đơn dân sự, trong khi theo quy định, nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức cá nhân bị thiệt hại do tội phạm gây ra, có đơn yêu cầu đòi bồi thường. Tuy nhiên, ACB xác định, không có thiệt hại và không có đơn yêu cầu đòi bồi thường.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị hủy án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội về phần kết tội với Nguyễn Đức Kiên, tuyên bố Nguyễn Đức Kiên không phạm cả 4 tội và đình chỉ vụ án.
Về hành vi kinh doanh vàng trái phép, Luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng, việc Công ty Thiên Nam ký hợp đồng đầu tư với Ngân hàng ACB là giao dịch trạng thái vàng, được quy đổi bằng giá trị không phải bằng số lượng vàng đang tồn dư trên tài khoản.
“Thiên Nam không trực tiếp kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Việc đặt lệnh mua/bán vàng hoàn toàn do ACB thực hiện với danh nghĩa của ngân hàng” – Luật sư Nam nhận định
Thực chất, Ngân hàng ACB không mua, bán với Công ty Thiên Nam một đơn vị vàng nào và cũng không giao, nhận với Công ty Thiên Nam bất cứ một lượng vàng nào. Không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh giữa Ngân hàng ACB và Công ty Thiên Nam có giao dịch vàng vật chất.
Công ty Thiên Nam giao dịch trạng thái giá vàng với Ngân hàng ACB không phải là thực hiện kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, mà thực chất chỉ là hoạt động đầu tư thông qua sự thay đổi của giá vàng.
Theo Luật sư Nam, tại thời điểm đó, không có bất cứ quy định nào của Pháp luật về loại sản phẩm này tại thị trường nội địa Việt Nam. Nhưng việc pháp luật cho phép một số ngân hàng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài cho thấy, loại sản phẩm này là hợp pháp và việc giao dịch loại sản phẩm này tại Việt Nam là không bị cấm. Trong danh mục hàng hóa dịch vụ kinh doanh bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện đều không có tên của loại sản phẩm này.
Về hành vi Trốn thuế, án sơ thẩm cho rằng Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo việc ký hợp đồng ủy thác giữa Công ty B&B và em gái là Nguyễn Thúy Hương để chuyển toàn bộ lợi nhuận từ việc ủy thác kinh doanh giá vàng giữa Công ty này với Ngân hàng ACB cho Nguyễn Thúy Hương. Do bà Hương là đối tượng miễn giảm thuế thu nhập cá nhân nên Công ty B&B đã tránh được khoản thuế 25 tỷ đồng
Theo Luật sư Nam, cho đến nay hợp đồng giữa B&B và Nguyễn Thúy Hương chưa bị tuyên vô hiệu, B&B đã tiến hành kê khai, nộp thuế thu nhập đối với khoản phí ủy thác thu được từ hợp đồng này.
Về kết luận giám định của Bộ Tài chính, Luật sư Nam cho rằng đối tượng giám định này không có trong thực tế vì pháp luật không quy định xác định thuế thu nhập của từng hợp đồng.
Cơ quan điều tra không cung cấp đầy đủ toàn bộ tài liệu cần thiết mà chỉ cung cấp một số rất ít các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc kê khai thuế, xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty B&B phải kê khai và nộp cho ngân sách Nhà nước.
Ngày mai (9/12), Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.