Những thông tin, sự kiện đáng chú ý trong tuần từ 26/10-1/11

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát huy sức mạnh kiều bào, xúc tiến dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được tổ chức… là những thông tin đáng chú ý trong tuần này.
Những thông tin, sự kiện đáng chú ý trong tuần từ 26/10-1/11

Họp về dự án cao tốc TP.HCM- Mộc Bài (Tây Ninh)

Ngày 26/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh về Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có văn bản về việc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân TP.HCM và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất cử đại diện TP.HCM là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án và triển khai các trình tự, thủ tục phê duyệt dự án theo quy định hiện hành.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài 53,5 km, bắt đầu từ đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP.HCM), đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng (Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 22, kết nối với cửa khẩu Mộc Bài. Dự kiến năm 2021, dự án sẽ tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tháng 3/2021, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Năm 2025 khánh thành, đưa vào hoạt động.

Tập đoàn Cao su Việt Nam liên doanh với Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn

Cũng trong ngày 26/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức nghe Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (CNS) báo cáo về việc liên doanh với Tập đoàn Cao su Việt Nam.

CNS là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, có vốn điều lệ 2.608 tỷ đồng, với 13 đơn vị thành viên, hoạt động sản xuất kinh doanh trên các ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố, bao gồm: trồng, chế biến và sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá; sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm cao su, nhựa và hóa chất kỹ thuật cao khác phục vụ cho công nghiệp và dân dụng.

Việc liên doanh với CNS sẽ giúp Tập đoàn Cao su Việt Nam tối ưu hóa chuỗi giá trị ngành cao su. Trước khi có thông tin này, Tập đoàn Cao su đã đề xuất Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc M&A một số doanh nghiệp săm lốp cao su kinh doanh hiệu quả thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phát huy sức mạnh kiều bào

Ngày 27/10, Hội nghị “Phát huy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp kiều bào” được tổ chức tại TP.HCM. Ngày 30/10, Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến vè chuyển đổi sổ và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” được tổ chức tại TP.HCM

Theo một số liệu thống kê, kể từ khi đất nước tiến hành đổi mới, kiều bào đã đóng góp về Việt Nam trên 150 tỷ USD kiều hối. Trong hơn 4,5 triệu kiều bào, có đến 450.000 kiều bào là trí thức, doanh nhân, người có trình độ cao.

Nguồn lực của các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào không chỉ là lượng kiều hối mà còn chính là mạng lưới thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài.

Tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP

Ngày 28/10, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo tập huấn Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP để phát triển xuất khẩu và tư vấn 1:1 với chuyên gia.

Sự kiện diễn ra vào tại hội trường tầng 13, tòa nhà 12 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM và trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Mục tiêu của Hội thảo là hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ của Việt Nam thuộc các lĩnh vực dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ tận dụng thuế ưu đãi của Hiệp định CPTPP, tiếp cận thị trường và phát triển xuất khẩu.

Sự kiện này tiếp tục nằm trong chuỗi sự kiện mà Bộ Công thương tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hội thảo Phòng vệ thương mại

Ngày 27/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công thương tổ chức Hội thảo “Phòng vệ thương mại – Công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập”.

Mục tiêu của Hội thảo là giúp các doanh nghiệp, hiệp hội tìm hiểu, tham gia ý kiến ngay từ đầu với các khung khổ chính sách pháp luật mới về phòng vệ thương mại ở VIệt Nam, đồng thời được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để sử dụng công cụ phòng vệ thương mại

Với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA. Điều này giúp cho thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn, tuy vậy, hiện tượng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh của hàn hóa nhập khẩu từ nước ngoài cũng xuất hiện, có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa lợi ích trong lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước.

Lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Dự thảo Thông tư vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến đóng góp của công chúng.

Nội dung dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 (Thông tư 22), Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 và bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm kiểm soát hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, bền vững.

Dự thảo Thông tư cũng bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp giữa các tổ chức tín dụng và hoạt động bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng; qua đó quản lý các hoạt động này thống nhất với các hoạt động cấp tín dụng và hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng.

Hằng Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục